Niềm vui cho hộ cận nghèo

19/06/2013
(VBSP News) Từ ngày 16/4, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long triển khai cho vay tín dụng đối với hộ cận nghèo theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần đầu tiên, đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.
Bà con nhận vốn vay ngay tại UBND xã Long Phước, huyện Long Hồ

Bà con nhận vốn vay ngay tại UBND xã Long Phước, huyện Long Hồ

 Giúp hộ cận nghèo giảm nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho hộ cận nghèo vay vốn và hướng dẫn của Tổng giám đốc NHCSXH, chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã tham mưu trình UBND tỉnh quyết định phân bổ vốn cho các huyện/thị xã/thành phố. Hiện nay, chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo phổ biến triển khai thực hiện đến tất cả ấp/khóm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đơn vị đã thực hiện giải ngân vốn cho vay hộ cận nghèo gần 3 tỷ đồng.

ĐIỀU KIỆN HỘ CẬN NGHÈO ĐƯỢC VAY VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH

* Có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

* Hộ cận nghèo có tên trong danh sách hộ cận nghèo được UBND cấp xã xác nhận theo chuẩn hộ cận nghèo được Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ.

* Là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại khóm, ấp nơi cư trú; được tổ bình xét, lập danh sách đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND xã.

Có mặt tại buổi giải ngân lưu động của NHCSXH huyện Long Hồ được tổ chức tại xã Long Phước, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hy vọng của bà con khi đến nhận vốn vay. Ông Nguyễn Văn Cát ở ấp Phước Ngươn B cho biết, dù gia đình được xét thoát nghèo vài năm nay nhưng vẫn cần có vốn để xoay vòng trồng trọt. “Sau khi thoát nghèo, tôi lo lắm vì Nhà nước chỉ cho vay hộ nghèo, còn đối tượng hộ cận nghèo thì không có. Ai dè, năm nay hộ cận nghèo như tụi tôi được vay vốn để sản xuất. Tôi vay 5 triệu đồng để đầu tư cho luống hành, luống cải của mình”.

Ngồi kế bên, chú Lê Hùng Tân, ấp Phước Ngươn B phấn khởi: “Ông thì trồng, tôi thì lái rau đó. Tôi vay 6 triệu đồng, có vốn xoay vòng tôi mua thêm rau cải bỏ mối ở chợ Cua, chợ Vĩnh Long, hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn”. “Tôi bán quần áo ở các chợ di động, tiền lời mỗi ngày được hơn trăm ngàn là lo trả lãi bên ngoài, giờ được xét vay vốn với lãi suất ưu đãi cho hộ cận nghèo, tôi mừng rơn hà. Tôi cố gắng mần, để trả lãi gốc cho tròn và sử dụng đồng vốn Nhà nước cho hiệu quả, cuộc sống của gia đình ổn định hơn” - cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc, ấp Long Thuận B tâm sự.

Cô Âu Thị Lệ cho biết, thu nhập từ trồng rau quế ổn định lắm. “Mỗi tháng cắt 3 lần, lần 300kg (5 nghìn đồng/kg) cũng kiếm được 1,5 triệu đồng. Quế có giá 8 nghìn đồng/kg thì còn lời nhiều hơn”.

Cô Âu Thị Lệ ấp Phước Lợi B xách từng thùng nước tưới mát cho những luống rau quế xanh tươi tốt. Cô tâm sự: “Hai vợ chồng cô từ Bình Minh về đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Vợ chồng túc tắc mần mướn tích cóp rồi vay mượn mua đất lên liếp trồng rẫy cuộc sống mới thoát nghèo”. Cô tiếp lời: “Tôi đã vay 8 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn ưu đãi nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đối với hộ cận nghèo. Trả xong nợ rồi, giờ có chương trình vay này, tôi vay 10 triệu đồng để mở rộng việc trồng rẫy tiếp. Quầy tạp hóa nhỏ có khách lai rai, thu nhập từ trồng quế cũng ổn định lắm”. 

Chị Âu Thị Lệ cho biết, thu nhập từ trồng rau quế ổn định lắm. "Mỗi tháng cắt 3 lần, lần 300kg (5 nghìn đồng/kg) cũng kiếm được 1,5 triệu đồng. Quế có giá 8 nghìn đồng/kg thì còn lời nhiều hơn"

Chị Âu Thị Lệ cho biết, thu nhập từ trồng rau quế ổn định lắm. “Mỗi tháng cắt 3 lần, lần 300kg (5 nghìn đồng/kg) cũng kiếm được 1,5 triệu đồng. Quế có giá 8 nghìn đồng/kg thì còn lời nhiều hơn”

Chính sách hợp lòng dân

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, Quyết định 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mức cho vay đối với hộ cận nghèo do NHCSXH và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Đến cuối năm 2012, tỉnh Vĩnh Long còn trên 15.900 hộ cận nghèo (chiếm 5,74%). Có thể nói, chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo là một chủ trương rất ý nghĩa nhằm tạo điều kiện cho hộ cận nghèo tiếp tục được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập để vươn lên khá, giàu.

Để thực hiện nguồn vốn đầu tư chính sách tín dụng có hiệu quả, Phó giám đốc Nguyễn Văn Hùng đề nghị, chính quyền địa phương quan tâm công tác quản lý vốn, kiểm tra giám sát và thực hiện bình xét hộ vay đảm bảo theo quy định; đối với hộ vay thì sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả đầu tư cao, đồng thời trả lãi và trả nợ vay đúng hạn đã thỏa thuận với NHCSXH tỉnh.

Thúy Quyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác