Đổi thay ở huyện nghèo Tuy Đức

22/12/2012
(VBSP) Vào những ngày này, ngược lên biên giới huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, tận mắt chứng kiến những cánh rừng cao su, những vườn cà phê, hồ tiêu của đồng bào dân tộc MNông đang vào mùa thu hoạch, trên khuôn mặt vui tươi của đồng bào chúng tôi cảm nhận được cuộc sống đã hồi sinh trên vùng đất đỏ Bazan còn nghèo khó này...

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Trần Đình Mạnh phấn khởi cho biết: Tuy Đức là một huyện biên giới, được thành lập năm 2007, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS, cùng với thiên nhiên khắc nghiệt thì tình hình kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, những năm qua huyện đã ra sức huy động mọi nguồn lực, trong đó, vốn vay ưu đãi là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Nhờ có nguồn vốn này, bà con được tiếp sức để đầu tư mua các loại cây trồng, vật nuôi và mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp. Hiện nay, diện tích cây công nghiệp của toàn huyện đã lên tới 26 nghìn ha với sản lượng hàng năm đạt hơn 107 nghìn tấn cà phê, hồ tiêu, mủ cao su… Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu đãi còn giúp các hộ đồng bào DTTS giao lưu thông thương với các địa phương khác, GQVL và xây dựng được các công trình NS&VSMTNT.

Nhờ biết cách sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân ở các xã Đắk Plao, Đắk Rinh, Quảng Trực thoát nghèo bền vững và ổn định cuộc sống. Cụ thể như anh K’Phát được mệnh danh là triệu phú của buôn N’Riêng, xã Đăk Rinh. Một tấm gương điển hình trong việc sử dụng có hiệu quả vốn vay ưu đãi, anh K’Phát cho biết: Trước đây cũng như nhiều hộ dân đồng bào M’Nông ở vùng đất biên giới huyện Tuy Đức, gia đình anh cũng khó khăn trăm bề, no đói phụ thuộc vào thiên nhiên, tháng ngày chỉ biết lên nương gieo lúa, chọc lỗ tra hạt ngô, cuộc sống luôn thiếu thốn, nhọc nhằn, tất cả cũng chỉ có một nguyên nhân là không có vốn để đầu tư sản xuất. Chỉ đến khi được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, anh có điều kiện đầu tư mua sắm cây trồng, vật nuôi. Nay thì cuộc sống của anh đã khá hơn, với một vườn cà phê và đàn gia súc phát triển khỏe mạnh, hàng năm nguồn thu từ chăn nuôi, sản xuất đã mang lại cho anh số tiền hơn 50 triệu đồng, không những anh trả hết nợ cho ngân hàng mà còn có của ăn của để và mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Trên vùng cao biên giới huyện Tuy Đức ngày nay, không chỉ có một điển hình như anh K’Phát mà đã xuất hiện nhiều tấm gương đồng bào DTTS sử dụng vốn chính sách làm ăn có hiệu quả xua đi cái đói cái nghèo. Thâm nhập vào thực tế các hộ vay vốn, chúng tôi mới hiểu rằng việc NHCSXH tập trung cho vay vốn ở vùng đồng bào DTTS là một chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân. Những chương trình tín dụng về hộ nghèo, GQVL, hộ gia đình SXKDVKK và cả việc cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay ưu đãi không tính lãi trong thời gian qua đã giúp đồng bào định canh, định cư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng để xoá nghèo, phát triển kinh tế tạo công ăn việc làm và ổn định tình hình chính trị tại địa phương. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS trong huyện có nhiều cải thiện rõ nét, bộ mặt các buôn làng đã thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lê Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác