Thanh niên Tương Dương chăn nuôi bò đạt hiệu quả
Trên đường 7 rẽ qua cánh rừng lim già, chúng tôi tìm đến nhà anh Lô Văn Thành, dân tộc Thái, Bí thư Chi đoàn bản Soóng Con, xã Tam Thái. Năm nay, vừa bước sang tuổi 28, Thành đang là trụ cột của gia đình. Học hết phổ thông trung học, trong khi bạn bè hướng tới giảng đường đại học, cao đẳng thì anh không có điều kiện thực hiện ước mơ đó bởi ngày ấy hoàn cảnh gia đình còn gặp khó khăn về kinh tế. Lòng không buồn, nản chí Lô Văn Thành chỉ nghĩ rằng không nhất thiết phải học cao mới thoát nghèo, làm giàu được. Nghĩ là hành động, anh đã tập trung sức lực vỡ đất, trồng cây trên phần đất ruộng của gia đình với ý nghĩ phải nhanh chóng đủ ăn trước, sau sẽ tính chuyện thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khi đời sống gia đình ổn định, Thành đã bắt tay vào xây dựng đề án sản xuất, vay vốn tín dụng ưu đãi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển nuôi bò theo mô hình kinh tế trang trại. Với số tiền 30 triệu đồng vay của NHCSXH và vốn tích lũy của gia đình, Thành đã đầu tư mua con giống, xây chuồng trại trên đỉnh đồi phía sau nhà, kết hợp chăn thả với nuôi nhốt bò bằng cỏ voi. Sau 3 năm lao động chăm chỉ và theo hướng dẫn của Trung tâm khuyến nông của tỉnh, hiện đàn bò của anh Thảo đã có 35 con, bao gồm từ bò thịt, bò cày kéo, đến cả bò sinh sản, năm qua đã cho thu nhập trên 70 triệu đồng. Lô Văn Thành đã trả được nợ ngân hàng trước thời hạn và mới đây còn được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng TK&VV của bản Soóng Con, xã Tam Thái.
Theo ông Lò Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Tương Dương, thời gian qua, khá nhiều thanh niên là người DTTS đã mạnh dạn vay vốn tín dụng ưu đãi để làm kinh tế theo nhiều mô hình khác nhau ngay trên đồng đất quê hương. Huyện đoàn đã tín chấp vay vốn của NHCSXH cho đoàn viên thanh niên làm kinh tế với dư nợ hơn 13 tỷ đồng thông qua 15 Tổ TK&VV. Có thể kể đến những mô hình tập thể tiêu biểu như đoàn xã Hứa Kiểm. Tập thể này đã nhận thầu 15ha mặt nước của xã để cải tạo thành những ao cá liên hoàn, tạo việc làm ổn định cho 10 thanh niên và đem lại số lãi khá lớn, 60 triệu đồng/năm. Phát huy kết quả đạt được, vừa qua, những đoàn viên này tiếp tục vay của NHCSXH 30 triệu đồng để nuôi thả thêm 50 nghìn con cá giống gồm: mè, trắm, chép…
Còn rất nhiều tấm gương khác được nhắc đến như Hà Văn Đức ở xã Tùng Dân, sử dụng vốn vay ưu đãi vào việc mở xưởng cơ khí sản xuất nông cụ và sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Không kém phần sáng tạo so với Hà Văn Đức là Ni Thị Nhung, dân tộc Tày ở bản Grột, xã Bình Minh đã dùng vốn của NHCSXH để chăn nuôi lợn thịt - kết hợp lợn nái thương phẩm và nuôi nhím. Đi lên từ rừng có thể kể đến đoàn viên Hà Văn Dinh trồng 3ha rừng luồng, Lò Thị Biền trồng xoan, keo lá chàm kết hợp với sản xuất chè sạch.
Những gương thanh niên năng động kể trên đang góp phần thay đổi cách nghĩ trong đại bộ phận thanh niên dân tộc địa phương. Sự thay đổi này cùng với kênh dẫn vốn của NHCSXH đã và đang mở ra triển vọng tốt đẹp cho đời sống thanh niên vùng thôn huyện biên giới Tương Dương miền Tây xứ nghệ.
Thu Hằng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phú Tân làm giàu từ cánh đồng mẫu
- » Xuất khẩu lao động ở vùng bãi ngang
- » Nam Định thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo
- » Người con của Suối Bòng
- » 10 năm thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (04/10/2002 - 04/10/2012): BỀN BỈ VÌ MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO
- » Người có tích lũy, hộ nên cơ nghiệp
- » Xóa đói, giảm nghèo ở Quế Phong
- » Phát triển kinh tế bền vững nhờ đồng vốn chính sách
- » Điểm sáng cao nguyên An Khê
- » Người có đôi tay tài hoa