Phát triển kinh tế bền vững nhờ đồng vốn chính sách

22/12/2012
(VBSP) Nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình ở tỉnh Quảng Nam đã ghi dấu ấn trên thị trường, giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH.
Vốn vay từ chương trình GQVL giúp nhiều cơ sở tại Quảng Nam mở rộng sản xuất

Vốn vay từ chương trình GQVL giúp nhiều cơ sở tại Quảng Nam mở rộng sản xuất

Những điểm sáng ở tỉnh Quảng Nam

Anh Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH Thành Xuân Phú ở 175 Nguyễn Văn Linh, thị trấn Núi Thành (Quảng Nam) dẫn chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất. Công ty Thành Xuân Phú chuyên gia công hàng may mặc như quần áo, jacket, quần âu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Đông Âu. Đầu năm 2012 có đơn hàng nhưng điều kiện thực tế của Công ty còn hạn chế, anh Chung đã được NHCSXH huyện Núi Thành cho vay 200 triệu đồng từ chương trình cho vay GQVL. “Nhờ đó, Công ty đã có thêm vốn để đầu tư máy móc, duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho 100 công nhân với mức lương bình quân 2 triệu đồng/người/tháng”, anh Chung cho biết.

Ở khối Bàu Súng, phường Thanh Hà, TP. Hội An, nhiều người biết vườn cây cảnh của gia đình ông Trương Chỉ. Năm 2010, gia đình ông vay 20 triệu đồng từ Chương trình GQVL của NHCSXH làm vốn cải tạo diện tích gần 1000m2 vườn trồng cây cảnh. Giờ vườn nhà ông có hơn 300 cây quất cảnh, mà là vườn quất cảnh đẹp có tiếng trong khu vực. Năm 2011, gia đình ông thu hoạch được gần 100 triệu đồng nhờ bán quất cảnh, trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng. “Nhờ vốn vay ưu đãi, mà gia đình tôi mới dám mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn trồng cây cảnh, chứ nếu vay Ngân hàng Thương mại với lãi suất cao chắc tôi không dám mạo hiểm như vậy”, ông Trương Chi xúc động nói: “Rất cảm ơn Nhà nước có chương trình cho vay ưu đãi này. Gia đình đang mong vụ quất năm nay thuận lợi, bán có lãi để hoàn trả lại vốn cho ngân hàng”.

Nhiều cơ sở sản xuất, nhiều hộ gia đình ở Quảng Nam đã sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách một cách hiệu quả, bởi họ ý thức được rằng đó là sự đồng hành và sẻ chia của Nhà nước đối với cuộc sống của người dân. Cách nhà ông Chi không xa, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Huỳnh Ri ở thôn Trang Hà, xã Cầm Kim, TP. Hội An chuyên làm bàn ghế, đồ mỹ nghệ, được vay 150 triệu đồng trong chương trình cho vay GQVL để đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng, đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, trở thành một gương làm kinh tế mà nhiều hộ gia đình địa phương học tập.

Đảm bảo hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách

Năm 2012, NHCSXH tỉnh Quảng Nam được giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ 9 chương trình là 314.147 triệu đồng và huyện chuyển sang cho vay là 10.659 triệu đồng, đưa tổng kế hoạch dư nợ của chi nhánh năm 2012 là 2.898.608 triệu đồng, tăng so với năm 2011 là 324.806 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Hùng Lam - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam cho hay, để đảm bảo đồng vốn chính sách được sử dụng hiệu quả, NHCSXH tỉnh Quảng Nam tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nâng cao chất lượng kiểm tra. Cụ thể, Giám đốc chi nhánh đã thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện tại các Phòng giao dịch, kiểm tra đột xuất tại các điểm giao dịch xã, tổ chức làm việc với các xã có chất lượng tín dụng thấp, nợ quá hạn cao… nhằm chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, nâng cao chất lượng hoạt động trong toàn chi nhánh.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ nay đến cuối năm, NHCSXH tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhằm khắc phục hạn chế và hoàn thiện các kế hoạch còn dang dở. Trong đó, kiến nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm, chú trọng giám sát việc tổ chức thực hiện 6 nội dung công đoạn nhận ủy thác của hội, đoàn thể, hoạt động quản lý vốn vay của Tổ TK&VV và mục đích sử dụng vốn của hộ vay, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị nhận ủy thác, chính quyền các xã tăng cường xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp kiên quyết, nhằm bảo toàn vốn của Nhà nước.

Trần Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác