Phát huy hiệu quả Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo

22/12/2012
(VBSP) Ngày 12/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/2008/QÐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Qua hơn 3 năm triển khai Chương trình, đã có hơn 500 nghìn hộ nghèo trong cả nước được hỗ trợ về nhà ở, với tổng nguồn vốn giải ngân đạt 11.945 tỷ đồng, vượt kế hoạch trước một năm. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội này đang ngày càng phát huy hiệu quả.

“Nhà 167″ - Ấm tình làng nghĩa xóm

Qua những đoạn đường gập ghềnh, những cây cầu bê tông bắc qua kênh rạch chỉ đủ hai xe máy tránh nhau, mới thấy hành trình xây dựng những ngôi nhà đạt chuẩn “ba cứng” tại ấp Ðịnh Yên, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) thật không đơn giản chút nào. Gia đình bà Nguyễn Thị Mạch, từng phải ở trong căn nhà lá lụp sụp dọa sập bất cứ lúc nào. Không có ruộng, vườn, cả gia đình bà làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày. Cuộc sống của bà chỉ thay đổi khi gia đình bà được bình xét và hỗ trợ tiền làm nhà theo Chương trình “Nhà 167″. Giờ đây, ngồi trong ngôi nhà mới khang trang rộng gần 40m2, bà Mạch phấn khởi cho biết: Nhờ ngân sách Nhà nước và địa phương hỗ trợ, cùng với số tiền vay từ NHCSXH và vận động anh em họ hàng đóng góp thêm được 15 triệu đồng nữa, từ cuối năm 2011 đến nay bà không còn gặp cảnh cứ mưa bão là lo chống nhà hay sang nhà hàng xóm trú nhờ nữa. Ðược vào nơi ở mới khang trang, an toàn hơn, gia đình bà cũng yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Bên kia cầu, cách nhà bà Mạch không xa là gia đình chị Lê Thị Giang. Rời bỏ căn nhà cột tre rách nát chuyển lên ở trong nhà gạch xây, mái tôn, chị Giang không giấu nổi niềm vui: “Ðược Nhà nước hỗ trợ hơn 23 triệu đồng, bà con làng xóm ủng hộ công sức lao động, vợ chồng tôi và các cháu đã được ở trong ngôi nhà kiên cố, không phải lo chạy nắng, chạy mưa như trước nữa. Tôi mừng lắm, vì nói thiệt, nếu không có Nhà nước giúp đỡ, không biết bao giờ tôi mới được ở trong ngôi nhà khang trang như vậy”.

Toàn xã Ðịnh Môn có 2.562 hộ, trong đó có 224 hộ nghèo và 192 hộ cận nghèo. Theo Chủ tịch UBND xã Lý Văn Til, năm 2010 và 2011 vừa qua, xã đã xét hỗ trợ xây dựng được bảy căn nhà theo Chương trình “Nhà 167″. Trong đó, ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ 15,2 triệu đồng/căn, các hộ dân vay thêm từ NHCSXH 8 triệu đồng/hộ với lãi suất 3%/năm, ngoài ra là vận động đóng góp tiền, công lao động từ gia đình, bà con chòm xóm. Chương trình “Nhà 167″ không những mang lại những mái ấm khang trang, kiên cố cho các hộ gia đình khó khăn, mà hơn hết còn củng cố niềm tin của người dân vào Ðảng, Nhà nước, giúp khơi dậy tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi của dân tộc ta.

Theo Bộ Xây dựng, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình “Nhà 167″ đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong số 59 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình đã có 9 tỉnh, thành phố hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trước hai năm như Thái Nguyên, Phú Thọ… Ngoài ra hầu hết các tỉnh, thành phố khác đã hoàn thành Chương trình trước một năm. Ðến nay, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ, đạt tỷ lệ 102,2%. Trong tổng số hộ đã được hỗ trợ có 224 nghìn hộ là đồng bào DTTS. Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình đạt 12.653 tỷ đồng, với 11.945 tỷ đồng đã được giải ngân. Số vốn còn lại sẽ được giải ngân tiếp trong những tháng cuối năm 2012.

Một trong những nguyên nhân góp phần đẩy nhanh Chương trình hoàn thành kế hoạch trước thời hạn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan và dòng vốn từ Trung ương đến địa phương, NHCSXH được triển khai tốt, nhanh chóng đến đúng đối tượng một cách đầy đủ, thuận tiện. Theo số liệu từ NHCSXH, tổng chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn cho vay Chương trình này trong 3 năm (2009 - 2012) là 4.100 tỷ đồng để cho 512 nghìn hộ nghèo vay làm nhà ở, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước chuyển sang NHCSXH để cho vay chương trình này là 1.600 tỷ đồng, số còn lại 1.838 tỷ đồng NHCSXH tự huy động được Nhà nước cấp bù lãi suất để cho vay. Theo Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý, mặc dù theo quy định, việc cho vay Chương trình này trong 5 năm đầu hộ vay chưa phải trả nợ, nhưng một bộ phận hộ nghèo có thu nhập và tiết kiệm trong chi tiêu đã thực hiện trả nợ dần để giảm bớt khó khăn khi phải trả nợ đến hạn. Trong 3 năm, NHCSXH đã thực hiện thu nợ được 13,3 tỷ đồng. Ðến ngày 31/5/2012, dư nợ cho vay chương trình đạt 3.604 tỷ đồng với 492.434 hộ còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo là người DTTS chiếm gần 50%.

Tiếp tục nhân rộng “Nhà 167″

Mặc dù, giai đoạn 1 của Chương trình đã hoàn thành, nhưng vẫn còn một số vướng mắc nhất định, trong đó có việc giải ngân đồng bộ các nguồn vốn. Hiện nay, nguồn vốn xã hội hóa đang gặp khó khăn do tình hình kinh tế chung, trong khi, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc thống kê hộ nghèo theo chuẩn mới và có nhiều hộ đang cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở. Ðơn cử tại TP. Cần Thơ, kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới trên địa bàn có tới 2.829 hộ có nhu cầu về nhà ở; tỉnh Trà Vinh còn 1.041 hộ đang khó khăn về nhà ở… Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo. Theo đó, về cơ bản, quy mô, diện tích và chất lượng nhà ở sẽ vẫn được giữ nguyên như quy định cũ để bảo đảm công bằng trong chính sách, nhưng do có sự trượt giá vật liệu so với thời điểm ban hành Quyết định 167 (năm 2008) nên mức hỗ trợ sẽ tăng tương ứng với hệ số trượt giá. Cụ thể, trong giai đoạn 2, dự kiến hỗ trợ mức vay ưu đãi cũng như mức tham gia đóng góp và huy động từ cộng đồng như sau: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ (đối với những hộ thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 30, hỗ trợ 14 triệu đồng; hộ cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn: hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ); NHCSXH cho vay ưu đãi mức tối đa 13 triệu đồng/hộ; hộ gia đình tham gia đóng góp và huy động từ cộng đồng 12 triệu đồng/hộ).

Ngoài ra, để việc thực hiện chương trình làm nhà Đại đoàn kết và các Chương trình giúp đỡ làm nhà cho hộ nghèo như Chương trình “Nhà 167″ có sự thống nhất, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn Ban Thường trực MTTQ và Ban vận động Ngày vì người nghèo các tỉnh, thành phố không chỉ dùng Quỹ Vì người nghèo vào việc xây nhà Đại đoàn kết như trước đây, mà phụ thêm vào Chương trình “Nhà 167″, hay Chương trình 30a. Ðiều này nhằm khắc phục thực tế diễn ra tại nhiều địa phương, giữa các hộ được hỗ trợ nhà ở có sự so sánh, dẫn đến hiểu lầm về chính sách của Nhà nước. Thí dụ, việc trong cùng một ấp, hộ gia đình làm “Nhà 167″ với kinh phí khoảng 20 triệu đồng, so sánh với những hộ được hỗ trợ nhà Đại đoàn kết xây với mức 50 - 60 triệu đồng. Ðây là vấn đề khi xây dựng cơ chế chính sách cần được xem xét. Có ý kiến đề xuất, để triển khai tốt giai đoạn 2, rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1 thì nên giải ngân đồng thời ba nguồn lực một lúc, và nên xét tiêu chí hộ nghèo theo vùng miền. UBND các cấp chỉ đạo việc rà soát lại các đối tượng được thụ hưởng chính sách này xét duyệt, xác nhận danh sách hộ nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chương trình đúng với quy định và kịp thời để NHCSXH có cơ sở triển khai cho vay theo đúng quy định và đúng thời gian.

Hồng Anh - Xuân Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác