Ưu tiên đảm bảo an sinh cho 13 triệu lao động thuộc nhóm yếu thế

22/12/2012
(VBSP) Những lao động yếu thế (người khuyết tật, lao động di cư, người nghèo) phần lớn tập trung ở nông thôn, học vấn thấp, ít được đào tạo nghề. Vì vậy, các vấn đề thuộc về an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu trong chính sách xã hội của nước ta.
Đồng bào dân tộc ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất

Đồng bào dân tộc ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất

Nhiều chính sách hỗ trợ nhóm lao động yếu thế 

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến năm 2011, cả nước có gần 13 triệu lao động thuộc nhóm yếu thế (chiếm gần 24% lực lượng lao động). Trong đó, bao gồm 4,2 triệu lao động là người khuyết tật, 6,5 triệu lao động nghèo, 1 triệu lao động di cư… 80% lao động yếu thế tập trung ở khu vực nông thôn.

Bởi vậy, các vấn đề tạo việc làm bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống về vật chất và tinh thần cho người lao động, đảm bảo ưu đãi xã hội, tạo điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam.

Ở nước ta, các chương trình tín dụng ưu đãi hiện đang áp dụng nhiều mức lãi suất khác nhau, riêng đối với cho vay hộ nghèo đang áp dụng 5 mức lãi suất (mức lãi suất theo Nghị quyết 30a có thể là 0% để các hộ nghèo mua giống phát triển sản xuất hoặc phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mức lãi suất cao nhất là 0,65%/tháng). Từ năm 2003 - 2010, đã có hơn 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi và góp phần giúp gần 2 triệu hộ thoát nghèo.

Hoạt động hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm cũng có tác động lớn đến cải thiện thu nhập của hộ nghèo thông qua khuyến khích người nghèo tự phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Tổng nguồn thực hiện dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề trong cả giai đoạn 2006 - 2010 là gần 385 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ y tế cũng là một nội dung trọng tâm của chính sách an sinh xã hội. Để hướng tới BHYT toàn dân vào năm 2014, chính sách đảm bảo hỗ trợ 100% mệnh giá BHYT cho người nghèo và 50% mệnh giá BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, các chương trình đã tập trung phát triển mạng lưới các cơ sở y tế để phủ khắp cả nước. Đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe như chăm sóc cố định, chăm sóc lưu động, chăm sóc sức khỏe cơ bản. Mức chi trả của bệnh nhân nghèo được quy định là 5% tổng chi phí khám chữa bệnh.

Trong 2 năm 2009 và 2010 đã có 317.000 hộ được hỗ trợ về nhà ở, chiếm 62% số hộ có nhu cầu, tỷ lệ này ở 62 huyện nghèo là 95%. Sau khi có Nghị quyết 30a, việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được đặc biệt ưu tiên, huy động được sự hỗ trợ lớn từ các doanh nghiệp nhà nước, của cộng đồng và được đánh giá là khá hiệu quả.

Bên cạnh đó, các hình thức trợ giúp xã hội thường xuyên cũng được tích cực triển khai. Một bộ phận người dân bị khuyết tật, nhiễm HIV, người già cô đơn, trẻ em mồ côi… không có khả năng tạo thu nhập và tự chăm sóc đã được hỗ trợ, giúp ổn định cuộc sống, phòng tránh rủi ro. Nhiều mô hình trợ giúp xã hội được xây dựng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Số cơ sở bảo trợ xã hội tăng nhanh, đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 432 cơ sở, nuôi dưỡng 41.000 người.

Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội

Mặc dù hệ thống an sinh xã hội đã từng bước được hoàn thiện, nhưng vẫn còn một hạn chế cần khắc phục như tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kết quả phổ cập giáo dục ở nhiều huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chăm sóc sức khỏe còn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Trước những thách thức đó, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, chính sách an sinh xã hội cần được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ, ưu tiên người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, hệ thống an sinh xã hội cần phải đa dạng, toàn diện có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia, đồng thời, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thức hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là với các nước trong ASEAN.

Đặng Thu Cúc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác