Xóa nghèo vùng ven đô

22/12/2012
(VBSP) Xuất phát từ thực tế vẫn còn có một bộ phận nông dân ven đô sống trong cảnh nghèo khó và thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, nên NHCSXH tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị cấp huyện chọn cách đi thích hợp, hỗ trợ vốn vay cho các hộ nông dân để chủ động, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, phát triển trồng rừng, chăm sóc quản lý rừng du lịch sinh thái.
Vườn cây trái Lái Thiêu (Bình Dương) đang vào mùa thu hoạch

Vườn cây trái Lái Thiêu (Bình Dương) đang vào mùa thu hoạch

 Minh chứng cho việc làm ý nghĩa của NHCSXH này, xin kể về xã An Sơn, huyện Thuận An. Theo ông Trần Văn Mười - Chủ tịch UBND xã thì hiện trên địa bàn An Sơn đã triển khai được 4 mô hình phát triển nông nghiệp gồm trồng hoa lan, cây kiểng, cá cảnh và trồng cây ăn trái với thương hiệu tập thể “vườn cây quả Lái Thiêu” làm cơ sở cho định hướng phát triển sinh thái vườn và từng bước tăng thu nhập cho nông dân.

Riêng mô hình du lịch sinh thái nông thôn An Sơn đang hướng đến các vườn cây ăn trái chất lượng cao. Hiện toàn xã có 546 hộ trồng vườn cây ăn trái có quy mô 1000m2 trở lên và đang có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, nhất là vốn tín dụng ưu đãi. Do đó, Hội ND của xã đã đảm nhận việc xây dựng củng cố chất lượng hoạt động của 8 Tổ TK&VV, làm nhiệm vụ uỷ thác vay vốn chính sách 3 tỷ đồng để giúp các hội viên thâm canh chăm sóc vườn cây ăn trái. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, Hội ND xã đã xét cho 54 hội viên vay 650 triệu đồng từ các nguồn vốn uỷ thác của NHCSXH và Quỹ hỗ trợ Hội ND Việt Nam để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, chuyên đề riêng về trồng và chăm sóc cây măng cụt cũng được triển khai đến các hội viên việc sử dụng vốn ưu đãi để thâm canh vườn trái cây sạch, trái cây an toàn đã tạo nên thương hiệu chung cho trái cây An Sơn là điều những người nông dân ở đây đang dốc sức thực hiện.

Cùng với xã An Sơn phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao, nông dân phường An Bình ngoại ô TP. Thủ Dầu Một đã sử dụng hơn 8 tỷ đồng vay theo chương trình GQVL của NHCSXH để khôi phục mở mang nghề nghiệp, nhằm mục đích thoát nghèo nhanh, nâng cao cuộc sống. Ví như gia đình ông Ngô Đức Minh vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi lập 3 trại sản xuất nấm bào ngư. Năm 2011, thu hoạch 2 trại nấm, vợ chồng ông lãi tới 80 triệu đồng. Cuối tháng 6 vừa rồi, bán đợt đầu của trại nấm thứ 3 tới 8.000 bịch, ông thu cả thảy 128 triệu đồng. Ông Minh vui khoe: “Nhờ vốn chính phủ làm bà đỡ, nhà tôi thoát nghèo, làm ăn khấm khá, nay đã có vốn lận lưng rồi”. Còn hộ nhà ông Trần Hữu Vững ở cùng phường An Bình có 2.600m2 đất thổ cư, mỗi năm thu chưa nổi chục triệu đồng bán trái cây xoài, bưởi, nhãn. Năm 2009, thông qua Hội ND, ông vay NHCSXH 15 triệu đồng mở lò sản xuất bánh tráng. Sau 3 năm làm ăn phát đạt, hoàn trả hết nợ cũ, ông Vững lại được NHCSXH giúp đỡ cho vay tiếp 30 triệu để mở rộng cơ sở sản xuất, thu hút thêm lao động tại chỗ. Phế phẩm từ lò bánh tráng được ông dùng nuôi heo, từ đó hàng năm xuất chuồng từ 3 - 4 tấn thịt heo thương phẩm. Ông thổ lộ với mọi người: “Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi và bà con xung quanh đã phát triển ngành nghề, không chỉ lo xoá nghèo, mà đều tính chuyện làm giàu”.

Bà Tống Thị Nga - Chủ tịch Hội ND tỉnh Binh Dương khẳng định: NHCSXH đã và đang làm điểm tựa vững chắc cho các hộ nghèo, các địa phương khó khăn không chỉ ở khu vực nông thôn, cả vùng ven đô nhằm phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững.

Nguyễn Thị Má

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác