Đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang được hỗ trợ vốn vay

22/12/2012
(VBSP) Thực hiện Quyết định số 32/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, trong những năm qua tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện chính sách này đối với hầu hết các hộ đồng bào dân tộc Khmer, làm thay đổi cuộc sống của người dân.
Đồng bào dân tộc Khmer vay tiền chăn nuôi bò

Đồng bào dân tộc Khmer vay tiền chăn nuôi bò

 Theo báo cáo giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Quyết định 32/2007 của Thủ tướng Chính phủ ở một số xã thuộc các huyện: Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, Giang Thành, An Biên, U Minh Thượng, NHCSXH và các huyện cho thấy: trong 4 năm (2007 - 2010), thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, NHCSXH đã giải ngân cho vay đạt 5.712/7.550 triệu đồng với 1.178 hộ vay để chăn nuôi, sản xuất lúa, trồng rau màu và mua bán nhỏ. Đến thời điểm này, tuy nợ thu hồi về chỉ đạt 608 triệu đồng với 108 hộ trả, nhưng có thể thấy việc thực hiện chính sách này bước đầu đã tạo điều kiện giúp cho hộ đồng bào Khmer trong tỉnh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, giảm bớt khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiện nay.

Thực tế, thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh Kiêng Giang đã kịp thời chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương triển khai kịp thời về chính sách cho vay vốn, tập huấn cho các địa phương… qua đó theo dõi hướng dẫn công tác khảo sát, bình xét đối tượng; phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát việc cho vay vốn… nhằm thực hiện hiệu quả đồng vốn.

Ngoài thực hiện tốt Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh còn chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn với các chính sách khác như: chương trình 134, Quyết định 167, 74… nhằm tăng hiệu quả việc sử dụng vốn vay và hạn chế rủi ro, từ đó tạo điều kiện giúp cho hộ đồng bào dân tộc cải thiện cuộc sống và từng bước thoát nghèo. Được biết, từ việc lồng ghép này đã giúp 42/75 hộ vay vốn thoát nghèo, trong đó xã Vĩnh Phú (Giồng Riềng) có 30/52 hộ, đạt 57,69% và xã Thổ Sơn (Hòn Đất) có 12/23 hộ, đạt 52,17%.

Có thể nhận thấy, Quyết định số 32/2007 của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang. Song chính sách này vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần được tháo gỡ trong thời gian tới như: cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm; một bộ phận cán bộ và người dân chưa hiểu hết mục đích ý nghĩa của chính sách, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước. Kết quả là, một số hộ sử dụng nguồn vốn vay chưa đúng mục đích, có một số hộ nghĩ rằng vốn này Nhà nước cho không nên chưa có ý thức làm ăn để trả nợ. Công tác khảo sát, bình xét còn chậm, không ít địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn đối tượng có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức thu nhập bình quân hộ nghèo theo tiêu chí đề ra. Đơn cử như trường hợp xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất không nhận chỉ tiêu trên giao; xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng chọn hộ nghèo nhất trong các hộ nghèo để đưa vào danh sách bình xét cho vay; xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất lập danh sách sai đối tượng cho vay vốn. Bên cạnh đó trong thời gian dài cấp huyện không có cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc, cán bộ đoàn thể xã, ấp thay đổi thường xuyên nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc thực hiện chính sách này. Công tác phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể địa phương thiếu chặt chẽ, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay chưa thường xuyên. Ban chỉ đạo giảm nghèo chưa thường xuyên chỉ đạo các ngành hướng dẫn hộ vay vốn được tiếp cận khoa học kỹ thuật để sản xuất nhằm giúp đỡ đồng bào cách thức làm ăn, do đó hiệu quả sử dụng vốn chưa cao (huyện Giồng Riềng chỉ có 92/224 hộ chăn nuôi có hiệu quả, Gò Quao chỉ có 16/251 hộ thoát nghèo). Mặt khác hiện nay, đa số hộ đồng bào Khmer nghèo trình độ thấp nên việc tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật sản xuất kinh doanh còn hạn chế, xây dựng phương án và xác định mô hình sản xuất chưa phù hợp với đặc điểm từng vùng, từ đó đưa vào sản xuất làm ăn không mang lại hiệu quả…

Từ những kết quả bước đầu và từ một số hạn chế trong việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thiết nghĩ, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống và tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, các ngành, đoàn thể địa phương cần có những biện pháp, cách làm phù hợp với từng vùng, từng hộ gia đình; việc xét cho vay phải đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh đó cần tuyên truyền vận động, kiểm tra, giúp đỡ và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để đồng bào hiểu rõ ý nghĩa của đồng vốn mà ra sức lao động sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Hữu Hạnh

Một bình luận cho bài viết "Đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang được hỗ trợ vốn vay"

  1. danh minh tam Góp ý:

    e co ho ngheo bay gio e muon vay von chang nuoi nho co quan nha nuoc tu van gium e

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác