Gian truân con đường đại học của cô tân sinh viên nghèo

22/12/2012
(VBSP) Gia cảnh quá khó khăn, người mẹ nuốt đắng cay khuyên con ở nhà đi làm công nhân may giúp gia đình. Nhưng em vẫn lén đi thi và đậu vào trường Đại học Thương mại. Thay bằng sự vui mừng vì con thi đậu đại học là nỗi lo âu về những ngày tháng tới.
Mấy ngày gần đây, bà con lối xóm đến động viên gia đình Huyền tiếp tục cho em theo đuổi ước mơ

Mấy ngày gần đây, bà con lối xóm đến động viên gia đình Huyền tiếp tục cho em theo đuổi ước mơ

Mấy ngày nay gia đình chị Trần Thị Thanh (sinh năm 1969), ở thôn Đào, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản (Hà Nam) lúc nào cũng đông người đến nhà, chủ yếu là đến động viên gia đình cho cô con gái thứ 2 đi học đại học. Đứa con gái thứ 2 của chị là em Trần Thị Thu Huyền (sinh năm 1994) mới thi đậu vào trường Đại học Thương mại với số điểm 27,5. Nhưng do gia cảnh quá éo le mà giấc mơ vào bước chân vào giảng đường đại học của em đang có nguy cơ đóng lại.

Bước vào căn nhà cấp 4 cũ rộng chừng 20m2 của chị Thanh, nhìn xung quanh trong nhà ít có một đồ vật gì đáng giá, ngoài chiếc tivi đã cũ với bộ bàn ghế nhựa. Ngồi tâm sự với chúng tôi chị Thanh rưng rưng nước mắt kể về cuộc sống khốn khó của gia đình mình. Chồng chị là anh Trần Đức Quyền (sinh năm 1965), năm 1986 không may bị ngã từ trên xe ô tô xuống, đầu đập xuống đất, mãi đến năm 1992 thì anh Quyền có biểu hiện không bình thường như hoang tưởng, nói nhảm, nhảy múa. Gia đình mang đi khám thì mới biết anh bị tâm thần.

Gia đình đưa anh Quyền đi khắp nơi chạy chữa, bán hết đồ đạc, của cải trong nhà chỉ mong sao cho anh khỏi bệnh nhưng vẫn không có biến chuyển gì. Năm 2009, cô con gái đầu của chị thi đậu vào trường Đại học Kinh tế Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, sau 2 năm theo học thì phải bỏ học vì bố bệnh tái phát nặng, gia đình chị Thanh không đủ tiền gửi cho con đóng học phí, đành ngậm ngùi để đứa con gái đầu về nhà lấy chồng.

Kinh tế gia đình chỉ dựa vào 5 sào ruộng, ngoài ra mỗi khi lò gạch có việc thì chị Thanh lại xin đi làm gạch, nhưng làm công cũng chỉ là dăm ba bữa chứ không phải thường xuyên nên cũng chẳng được bao nhiêu. Chồng lại bị bệnh, thi thoảng lên cơn lại đạp xe đạp đi khắp nơi khiến chị phải bỏ hết việc để đi tìm chồng về.

Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng cả 4 đứa con của chị đều rất ngoan ngoãn và học giỏi, nhất là cô con gái thứ 2 Trần Thị Thu Huyền 12 năm liền đều là học sinh giỏi toàn diện của trường. Kỳ thi đại học vừa rồi Huyền thi đậu vào trường Đại học Thương mại, Ngành tiếng Anh thương mại với số điểm 27,5. Nhưng giấc mơ giảng đường Đại học của Huyền đang lung lay vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo.

Lúc Huyền thi xong tốt nghiệp THPT, vì không có điều kiện để con đi thi, chị Thanh đã nói với con là ở nhà đi làm công nhân may phụ giúp gia đình và 2 em ăn học. Nhưng niềm khao khát được đi học, được đến với giấc mơ của Huyền, em đã lén gia đình đi đăng ký vào trường Thương mại, tự liên hệ với các chị nhà bác trên Hà Nội để đi thi.

Khi biết con gái lén đăng ký đi thi đại học, chị Thanh cũng chỉ biết cắn răng khuyên con mình gác giấc mơ lại. Thấy Huyền có ý chí, nghị lực thực hiện ước mơ của mình, bà con lối xóm động viên gia đình chị Thanh cho Huyền đi thi. Thương con chị chạy vạy vay mượn khắp nơi được 700 nghìn để Huyền lấy tiền đi thi.

Lúc có kết quả Huyền thi đậu đại học, cả xóm trên làng dưới ai cũng vui mừng cho Huyền, nhưng gương mặt của chị Thanh nhìn xa xăm với bao nhiêu nỗi lo âu của cả một chặng đường dài.

Ngoài chị cả đã lấy chồng, sau Huyền còn 2 người em học lớp 11 và lớp 3. Rồi đây chị Thanh không biết xoay xở như thế nào khi một mình chị phải lo cho người chồng bệnh tật, bố chồng nay đã 86 tuổi và 3 đứa con đang đi học.

Chị Thanh tâm sự: “Tôi cũng thương cháu nó lắm, cũng muốn cháu nó được đi học, được thực hiện ước mơ của mình. Nhưng hoàn cảnh nhà tôi thì các chú thấy đấy. Mấy hôm nay cũng chạy vạy khắp nơi để vay mượn lo tiền cho cháu nó lấy cái nhập học…”.

Cô Phạm Thị Thắm, hàng xóm gia đình nhà em Huyền cho biết: “Rõ khổ. Nó thì học giỏi có tiếng của cái thôn Đào này, lại ngoan ngoãn. Người ta có con thi đậu Đại học thì liên hoan, còn nhà cháu Huyền thì đến tiền nhập học còn khó…”.

Sau khi biết tin em Huyền thi đậu, họ hàng, hàng xóm đều đến gia đình em động viên chị Thanh cố gắng cho Huyền đi học, đừng để giấc mơ của Huyền lại bỏ giữa chừng như của chị gái.

Về phần Huyền, sau khi biết mình thi đậu, em vừa vui, nhưng kèm theo đó là những lo lắng bộn bề. Nhưng em cũng quyết tâm sẽ theo học đến cùng. Em đã tự lập cho mình một lịch trình, sau khi lên nhập học, ổn định chỗ ở em sẽ xin việc đi làm thêm ngay. “Vất vả thế nào em cũng chịu được miễn là cố gắng đỡ đần được cho bố mẹ phần nào ở nhà đỡ vất vả vì em là em vui rồi”.

Chia tay gia đình Huyền, nhìn gương mặt khắc khổ của chị Thanh, ánh mắt lo lắng của Huyền về chặng đường dài phía trước. Nhưng trong ánh mắt khắc khổ lo lắng của người mẹ là cả một sự yêu thương đứa con vô bờ bến. Không biết rồi chị có đủ sức để lo cho con mình 4 năm học đầy gian nan, vất vả không?

Đức Văn - Trần Lê

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác