Vai trò chủ thể trong công tác giảm nghèo
Từ thoát nghèo đến trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi
Bây giờ thì anh Tẩn Dùn Vầy (dân tộc Dao) ở thôn Bản Pho, xã Bản Qua, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã trở thành một điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) cấp tỉnh với tổng thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Nhìn cơ ngơi của gia đình anh, ai cũng phải khâm phục. Đàn lợn trong chuồng thời điểm cao nhất có tới 70 con, cả lợn nái, lợn thịt, lợn giống. Mỗi năm nhà anh xuất chuồng từ 2 - 3 tấn lợn thịt, trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Anh còn có đàn trâu 3 - 5 con nuôi lấy sức kéo. Tận dụng tán rừng già, anh trồng hơn 1ha thảo quả, mỗi năm thu về trên 70 triệu đồng. Mở rộng diện tích nương, anh trồng giống ngô lai năng suất cao, sản lượng năm nào cũng được gần 10 tấn ngô hạt. Cùng với chăn nuôi, trồng trọt, anh Vầy còn đầu tư mua máy xay xát để chế biến thức ăn gia súc tại nhà, đồng thời phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn. Ít ai biết rằng trước đây gia đình anh cũng thuộc hộ nghèo, phải chạy ăn từng bữa. Chính nhờ ý chí tự lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà anh đã có cuộc sống no ấm, đủ đầy. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh được nhiều hộ học hỏi, làm theo. Những năm qua, anh cũng cho gần chục hộ trong thôn vay tiền không lấy lãi để vươn lên thoát nghèo… Anh Tẩn Dùn Vầy chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn tấm gương nông dân trên địa bàn tỉnh phát huy được sự năng động, tích cực trong sản xuất, làm giàu bền vững.
Theo thống kê của Hội ND tỉnh, năm 1992, năm đầu phát động phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, cả tỉnh mới có 939 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Tính đến năm 2011, con số đã tăng lên tới trên 20.300 hộ, gấp 21 lần thời điểm năm 1992. Trong đó, có 36 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 1.765 hộ cấp tỉnh, 5.127 hộ cấp huyện, thành phố và 13.384 hộ cấp xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, có trên 10.000 hộ dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm gần 58% số hộ sản xuất giỏi toàn tỉnh. Qua 20 năm phát động, phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” đã phát triển mạnh ở tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất, chế biến lâm sản… và có sức lan tỏa ở khắp các địa phương. Từ vùng thấp đến vùng cao Lào Cai, nơi nào cũng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó làm giàu, tiêu biểu nhất có thể kể đến: Thị trấn Phố Ràng, xã Bảo Hà, Nghĩa Đô (Bảo Yên); Xuân Quang, Thái Niên (Bảo Thắng); Hòa Mạc, Khánh Yên Trung (Văn Bàn); Bản Lầu (Mường Khương); thị trấn Sa Pa, xã Nậm Cang (Sa Pa); Quang Kim, Cốc San, Bản Qua (Bát Xát); phường Bình Minh, Vạn Hòa (thành phố Lào Cai)… Các huyện: Bảo Yên, Văn Bàn, thành phố Lào Cai trở thành lá cờ đầu toàn tỉnh về tỷ lệ hộ SXKD nông, lâm nghiệp giỏi. Nhờ những nông dân có cách nghĩ, cách làm mới, linh hoạt trong sản xuất, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển kinh tế mà những năm qua, mỗi năm Lào Cai giảm được từ 3 - 5% hộ nghèo. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,5%, đạt 50% kế hoạch. Ở các huyện khó khăn nhất tỉnh như: Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, nội lực trong nông dân được phát huy cùng với sự tiếp sức của Nhà nước từ các chương trình, dự án, đã có tới 800 hộ thoát nghèo…
Nỗ lực giúp nhau xóa đói, giảm nghèo
Trong câu chuyện về những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lại có chuyện chính những nông dân ấy nhiều năm qua đã trở thành “bà đỡ” cho các hộ dân khác vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Về huyện Văn Bàn, ai cũng biết tấm gương ông Bàn Hữu Thăng (dân tộc Dao) ở xã Nậm Xây với mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tổng thu nhập trung bình 170 triệu đồng/năm, nhận nuôi 3 cháu mồ côi, giúp 3 hộ nông dân khác về cây, con giống trị giá mỗi hộ trên 5 triệu đồng để phát triển sản xuất; ông Mai Xuân Liễu ở xã Sơn Thủy với mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng, đã giúp 12 hộ nghèo vay vốn không lấy lãi để vươn lên thoát nghèo. Đến xã Bản Qua, huyện Bát Xát, gặp ông Hoàng Mộc Lan, một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi được suy tôn là “Sao thần nông” luôn nhiệt tình giúp đỡ, phổ biến kinh nghiệm cho nhân dân khắp nơi trồng rừng, phát triển kinh tế. Lên huyện Mường Khương, anh “kĩ sư chân đất” Làn Mậu Thành, dân tộc Bố Y vừa là tấm gương dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế giỏi với vườn quýt mỗi năm đem lại nguồn thu trên 100 triệu đồng, vừa nhiệt tình giúp nhiều hộ dân khác học hỏi kĩ thuật trồng quýt, vươn lên thoát nghèo. Các ông Thào Dìn, Thào Thắng trở thành “vua chuối, dứa” xứ Mường, đã đem kinh nghiệm giúp các hộ khác cùng làm giàu hiệu quả; ở thành phố Lào Cai, bà Trần Thị Vét ở thôn Dạ 1, xã Cam Đường có trang trại tổng hợp 14ha, từ trồng trọt, chăn nuôi mỗi năm thu nhập trung bình 250 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà còn nhiệt tình giúp đỡ cây, con giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho 5 hộ trong thôn vươn lên thoát nghèo…
Ông Đinh Văn Toản, Chủ tịch Hội ND tỉnh Lào Cai cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã trực tiếp giúp gần 1.000 hộ thoát nghèo, vượt khó vươn lên trở thành hộ SXKDG các cấp, đóng góp tích cực trong phát triển cộng đồng và an sinh xã hội. Hiện nay, cả nước đang chung tay hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hàng ngàn nông dân các dân tộc Lào Cai hồ hởi tham gia, nhiều gia đình đã tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây trường học, nhà văn hóa, trạm xá… Nông dân các địa phương đã đóng góp gần 80.300 ngày công lao động, ủng hộ vật tư sẵn có để tu sửa và làm mới 551km đường giao thông nông thôn, 373km kênh mương nội đồng, 87 cầu cống, 140 phòng học, 17 công trình điện nông thôn, công trình cấp nước sinh hoạt… góp phần xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, từ phát huy nội lực trong giảm nghèo, nông dân tỉnh Lào Cai đã và đang phát huy tốt vai trò chủ thể trên chặng đường xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Hồ Minh Khánh - Ngọc Tuấn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phú Yên thành lập Quỹ giải quyết việc làm
- » Kim Sơn phát triển kinh tế biển
- » CCB làm kinh tế giỏi ở vùng chiến khu xưa
- » Giúp hộ nghèo giảm gánh nặng
- » Giúp người nghèo yên tâm khi mùa mưa bão đến
- » Lo ngại hơn 30% số hộ cận nghèo tái nghèo
- » LO TÁI NGHÈO VÌ... THIẾU VỐN: Tiềm ẩn tái nghèo
- » Đổi mới ở xã Anh hùng
- » NHCSXH sơ kết công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại khu vực Tây Nam Bộ và một số chi nhánh tỉnh, thành phố
- » Ngân hàng nghèo cũng tái cơ cấu