LO TÁI NGHÈO VÌ… THIẾU VỐN: Tiềm ẩn tái nghèo
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại 4 huyện, thị xã ở tỉnh Thừa Thiên - Huế thì nguy cơ tái nghèo đối với các hộ còn nghèo là đáng báo động, do số tiền vay từ NHCSXH cho hộ nghèo đã là “bước đệm” để họ thoát nghèo, nhưng để thoát nghèo bền vững thì hộ cận nghèo rất cần thêm nguồn vốn để tiếp sức.
Gia đình bà Trương Thị Chư ở xã Phú Thanh, huyện Phú Vang trước đây là hộ nghèo. Chỉ sau hai năm vay vốn NHCSXH về đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, bà tích cóp cũng xây được căn nhà có chỗ che mưa, nắng. Cuộc sống vừa có phần ổn định thì gia đình bà được địa phương đánh giá là đã thoát nghèo, đưa vào diện cận nghèo. Bà Chư rất vui vì kinh tế có khá hơn trước nhưng vẫn lo vì nghề nông phụ thuộc vào thời tiết và nguy cơ dịch bệnh khó lường: “Vụ lúa đông xuân 2011 do lũ về sớm nên 3 sào ruộng đang chuẩn bị thu hoạch thì bị lũ nhấn chìm. Chuồng lợn 4 con ngập nước cũng bị chết hai con. Hơn một năm nay gia đình tui lâm vào cảnh khó khăn, hai đứa con học lớp 7 và lớp 8 cũng lần lượt nghỉ học vì không có tiền nộp học phí…”. Ngoài vốn vay NHCSXH, bà Chư không vay thêm ngân hàng khác vì sợ lãi cao, vả lại điều kiện kinh tế còn hạn chế, bà không có tài sản gì để thế chấp ngân hàng, cũng chẳng có dự án phát triển kinh tế to tát gì để được ngân hàng để ý. Thế là từ chỗ kinh tế dần ổn định thì nay bà đang đối mặt với khó khăn vì thiếu tiền để đầu tư.
“UBND tỉnh Đắk Nông vừa có Văn bản số 3437/UBND-KTTC gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị bổ sung đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn chương trình hộ nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP. Theo UBND tỉnh, từ năm 2004 đến năm 2011, tỉnh đã có trên 50 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, với số tiền giải ngân đạt hơn 706 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có trên 22 nghìn hộ nghèo đang được vay vốn, chiếm 75% hộ nghèo của tỉnh. Nguồn vốn tín dụng cho vay hộ nghèo đã giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, vượt qua ngưỡng nghèo. Tuy nhiên, tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo năm 2011 cho thấy, hiện còn có 3.338 hộ cận nghèo, hầu hết thiếu vốn sản xuất, chưa thoát nghèo bền vững và rất dễ bị tái nghèo. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020, tỉnh Đắk Nông đề nghị Thủ tướng, Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo xem xét, quy định bổ sung đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn chương trình hộ nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP”. |
Hộ gia đình ông Nguyễn Trúc trú tại thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc thoát nghèo vào năm 2011. Nói là “thoát” nhưng thực tế thì gia đình ông hiện đang rất khó khăn. Vợ bị bệnh tim nên một mình ông cáng đáng mọi việc nhưng thu nhập vẫn không đủ để trang trải cho gia đình. Gia đình có 7 người con thì các con ông học chỉ đến lớp 7 là nghỉ do không có tiền. Ông Trác nói: “Năm 2009, tui được NHCSXH cho vay 3 triệu đồng. Số tiền này tui về mua heo để nuôi đẻ, lứa đầu tiên tui bán sửa sang được căn nhà nhưng rồi do dịch bệnh, bầy heo chết sạch. Giờ chuồng xây xong bỏ trống, chừ tui muốn vay để nuôi tiếp cũng không được vì hộ cận nghèo, mà đi vay ngoài lãi cao, sợ trả không nổi”.
Ngược về huyện vùng trũng Quảng Điền, chúng tôi đến nhà bà Thân Thị Lành, thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú. Năm 2009, bà vay NHCSXH 10 triệu đồng về đầu tư chăn nuôi heo. Cuối năm 2011 gia đình bà không còn thuộc diện hộ nghèo nhưng kể từ đây “tai họa” lại ập xuống khi chồng bà đột ngột bị bệnh; vậy là tài sản đáng giá nhất là đàn heo bà đành bán để chạy chữa cho chồng. “Một mình tui bươn chải đầu tắt mặt tối mỗi ngày cũng chỉ kiểm được 70 ngàn đồng mà chi cho 9 miệng ăn, chú tính làm răng đủ được. Còn tiền chi phí khác tui phải đi vay mượn…?”. Nhìn căn nhà ván xiêu vẹo có thể sập bất cứ lúc nào khi mùa mưa bão tới, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng, bởi hoàn cảnh nhà bà còn thua xa những hộ nghèo. Phải chăng đây là “bệnh thành tích” của địa phương khi muốn giảm tỷ lệ hộ nghèo theo nghị quyết?
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng vừa có Văn bản số 1759/UBND-VX gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất bổ sung cơ chế tín dụng chính sách cho hộ cận nghèo. Hiện, Thái Nguyên còn 32.098 hộ cận nghèo, chiếm 11% số hộ, đa phần không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Thương mại, trong khi không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH để tiếp tục đầu tư sản xuất tăng thu nhập. |
Gia đình bác Hà Văn Thỉ ở thôn La Chữ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà cũng là hộ cận nghèo bộc bạch: “Dù đã được xếp vào diện thoát nghèo nhưng tội vẫn lo lắm, vì số tiền tiết kiệm được chẳng đáng là bao, muốn mở rộng sản xuất cũng khó, nếu không được tiếp tục vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, chẳng may gặp trận bão lớn, hay gặp dịch bệnh là “cụt vốn”, tái nghèo ngay”…
Trong khi những hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ và được hưởng các chế độ như bảo hiểm, học phí thì họ - những hộ cận nghèo “trắng tay”, không được hưởng những ưu đãi này. Ông Tống Phước Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc - cho rằng: “Đây là những đối tượng “mong manh”, tiềm lực kinh tế vẫn còn non yếu, thu nhập của những lao động chính trong nhà chưa đảm bảo ổn định về lâu dài, chỉ cần một trận dịch bệnh, một đợt thiên tai, con cái đau ốm hoặc vào đại học là họ có thể tái nghèo. Nếu được tiếp tục vay vốn chắc chắn họ sẽ vượt ngưỡng cận nghèo, còn bằng không họ sẽ quay lại tái nghèo, càng thêm gánh nặng cho địa phương”.
Quang Tám
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đổi mới ở xã Anh hùng
- » NHCSXH sơ kết công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại khu vực Tây Nam Bộ và một số chi nhánh tỉnh, thành phố
- » Ngân hàng nghèo cũng tái cơ cấu
- » Thời sự huyện nghèo
- » ADB giúp Việt Nam phát triển khu vực tài chính vi mô hài hòa, theo định hướng thị trường
- » Đấu thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh
- » Tiếp sức cho hộ cận nghèo
- » Mường Nhé giúp dân giảm nghèo
- » Na Rì phát huy hiệu quả nguồn vốn vay cho hộ nghèo
- » Giúp nông dân thoát nghèo