Ngân hàng nghèo cũng tái cơ cấu

22/12/2012
(VBSP) Với việc quy hoạch lại đối tượng ưu đãi, hộ cận nghèo mong muốn được vay vốn có lãi suất thấp hơn lãi suất Ngân hàng Thương mại.
Giao dịch tại xã - mô hình

Giao dịch tại xã - mô hình “có một không hai”

Có sửa mô hình cho vay

 Bức ảnh về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã trở nên đa dạng hơn khi mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 852/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020. Bởi ai cũng hiểu NHCSXH là ngân hàng đặc thù cho vay XĐGN và các đối tượng chính sách, vì vậy tái cơ cấu ngân hàng này được thực hiện theo hướng nào.

Theo ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc NHCSXH, tái cơ cấu NHCSXH không phải cải tổ ngân hàng, vì hiện nay hoạt động của NHCSXH đang đi đúng hướng. Nhưng mục tiêu, nhiệm vụ của NHCSXH phải tái cơ cấu ở góc độ nâng cao chất lượng hoạt động, khắc phục những tồn tại, để làm tốt hơn nữa. Trước khi thông qua đề án tái cơ cấu cũng như chiến lược, Chính phủ cũng đã có đánh giá hoạt động của NHCSXH. Đó là, về cơ bản NHCSXH đã tập trung được nguồn lực tương đối lớn để cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ. Hiện nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH khoảng 115 nghìn tỷ đồng, dư nợ 105 nghìn tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD - một con số tương đối lớn. Nguồn vốn của NHCSXH đã tập trung cho vay 18 chương trình tín dụng, trong đó có 6 chương trình tín dụng chính, chiếm 96% tổng dư nợ là: cho vay HSSV, hộ nghèo, hộ gia đình SXKDVKK, XKLĐ, NS&VSMTNT. Đã có 11,4 triệu lượt hộ được vay vốn và hiện nay có khoảng 6,9 triệu khách hàng còn dư nợ tại NHCSXH.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế thành công nổi bật nhất là NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng hợp lý. Ngoài Hội đồng quản trị của NHCSXH Trung ương còn có thêm Ban đại diện Hội đồng quản trị từ cấp huyện đến cấp tỉnh chỉ đạo chính quyền, ban ngành địa phương các cấp, nhằm triển khai các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi phù hợp với địa phương. Ông Nguyễn Văn Lý cho rằng, hiện NHCSXH phục vụ trên 1.800 điểm giao dịch tại xã, phường. Tức là người dân không phải đến ngân hàng mà chỉ đến các điểm giao dịch tại xã. Việc này, đã giảm được quãng đường từ xã ra ngân hàng đáng lẽ người dân phải tới.

Và đặc biệt, Chính phủ giao cho địa phương cùng chuyển tải vốn khi NHCSXH ủy thác một số khâu cho các tổ chức chính trị - xã hội bình xét từ cơ sở lên. Mô hình này, không chỉ giúp xác định được đối tượng vay vốn chính xác nhất mà còn tiết giảm chi phí cho người vay và chi phí cho ngân hàng. Như vậy, có thể khẳng định mô hình cho vay của NHCSXH sẽ tiếp tục giữ nguyên bởi tính hiệu quả đã được chứng minh sau gần 10 năm đi vào hoạt động.

Tăng dần ưu đãi về cách thức phục vụ

 Mục tiêu tổng quát được xác định trong Quyết định 852/QĐ-TTg quá trình tái cấu trúc là phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để  thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các mục tiêu cụ thể đưa ra là: 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3%/tổng dư nợ; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ…

NHCSXH xác định tái cơ cấu về nguồn vốn, nâng cao mô hình hoạt động và chất lượng ổn định để phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi, khi NHCSXH tái cơ cấu, đối tượng vay vốn có giữ nguyên hay thu hẹp, phương thức cho vay có thay đổi hay không? Đặc biệt, theo chiến lược phát triển của NHCSXH được phê duyệt, Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, tổ chức điều tra và quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác để có căn cứ xác nhận đối tượng vay vốn NHCSXH.

Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, lần này đối tượng vay vốn phải được xem xét quy hoạch lại. Một là, tập trung cho đối tượng chính mà hiện nay đang làm, đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ. Hai là, trong ưu đãi thì đối tượng nào nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn sẽ hưởng ưu đãi cao nhất. Đối tượng khác ít khó khăn hơn thì hưởng mức độ nghèo thấp hơn, ưu đãi thấp hơn, lãi suất có thể suýt soát lãi suất thị trường. Trong cơ chế ưu đãi sẽ tăng dần ưu đãi về cách thức phục vụ, thủ tục vay vốn, xử lý rủi ro… nhưng giảm dần ưu đãi về lãi suất. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, với việc quy hoạch lại đối tượng ưu đãi, NHCSXH cho đối tượng hộ cận nghèo vay vốn có lãi suất cao hơn lãi suất cho vay hộ nghèo nhưng thấp hơn lãi suất Ngân hàng Thương mại, theo định hướng “mức độ nghèo thấp hơn, ít khó khăn hơn thì ưu đãi thấp hơn”.

Trong chiến lược có cơ cấu nguồn vốn phù hợp, trong đó: Xác định về cơ bản nguồn vốn của NHCSXH chủ yếu do Chính phủ cấp. Trong đó, có thể Chính phủ trực tiếp cấp, hoặc Chính phủ ưu tiên, bố trí vốn ODA. Hoặc nguồn vốn nhàn rỗi khác của Chính phủ có lãi suất thấp đưa sang để NHCSXH cho vay. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại Nhà nước, Ngân hàng Thương mại Cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần khống chế phải có trách nhiệm gửi 2% số dư tiền gửi của ngân hàng huy động được vào NHCSXH. Bên cạnh đó, để có nguồn vốn cho vay Chính phủ bảo lãnh, hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính bảo lãnh NHCSXH phát hành trái phiếu. Ngoài ra, Chính phủ kêu gọi, các tổ chức, trong và ngoài nước, cũng như cá nhân đóng góp dưới nhiều hình thức để tìm nguồn vốn cho NHCSXH.

CTV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác