Vốn vay ưu đãi góp phần đảm bảo an sinh xã hội

21/12/2012
(VBSP) Những năm qua, NHCSXH huyện U Minh (Cà Mau), đã không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Từ nguồn vốn phân bổ hằng năm, ngân hàng mở rộng cho vay ưu đãi đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, tạo nguồn vốn giúp nhiều hộ gia đình có việc làm, tăng thêm thu nhập, nhiều em học sinh tiếp tục theo đuổi con đường học tập, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Võ Văn Đức ở ấp 20, xã Khánh Thuận đã đầu tư mô hình nuôi lợn rừng, mỗi năm thu lãi gần 40 triệu đồng

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Võ Văn Đức ở ấp 20, xã Khánh Thuận đã đầu tư mô hình nuôi lợn rừng, mỗi năm thu lãi gần 40 triệu đồng

Tại huyện U Minh, mạng lưới hoạt động NHCSXH trải rộng khắp 8 xã, thị trấn với 97/97 khóm, ấp đều có Tổ TK&VV hoạt động nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, thực hiện dân chủ, công khai việc sử dụng vốn, chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả. 

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi 

Với phương châm cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích để phát huy cao nhất hiệu quả vốn vay, NHCSXH đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức công tác tuyên truyền ở cơ sở. Trong đó, chú trọng kiện toàn các Tổ TK&VV, thường xuyên nâng cao năng lực quản lý vốn vay cho các Tổ trưởng. Từ đó, các tổ chức hội, Tổ TK&VV ở khóm, ấp đã phát huy tốt vai trò ủy thác, là cánh tay đắc lực của ngân hàng trong thực hiện công tác tuyên truyền và quản lý vốn tại cơ sở. 

Ông Lâm Thanh Hùng - Chủ tịch Hội ND xã Khánh Thuận cho biết: “Là xã nghèo nhất của huyện U Minh, đa số người dân sống dưới tán rừng tràm, đất nhiễm phèn nặng, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, được sự quan tâm hỗ trợ từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH đến nay có nhiều gia đình vượt khó thoát nghèo”. 

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Nhiệm ở ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện Thới Bình, sau khi cưới, hai vợ chồng cùng nhau đến đất rừng U Minh lập nghiệp. Lúc đầu cuộc sống vô cùng khó khăn, chỉ khai hoang được hơn công đất trồng dưa leo kiếm sống qua ngày. Đến năm 2007, được NHCSXH huyện cho vay 6 triệu đồng để mua cá chình, cá bống tượng thả nuôi, nhờ chịu khó chăm sóc cũng như nắm bắt kỹ thuật nuôi mà vụ nuôi đầu thu hoạch khá. Từ đó, gia đình bắt đầu mở rộng diện tích nuôi. Năm 2011, thu lãi gần 100 triệu đồng từ cá chình, cá bống tượng và hiện còn hơn 1.000 con cá đang phát triển tốt. Mô hình nuôi cá bống tượng của gia đình anh Nhiệm đã được nhân rộng trong ấp. Nhờ đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH giờ đây gia đình anh Nhiệm đã thoát nghèo và dự tính xây dựng căn nhà khang trang vào cuối năm nay. 

Ông Trần Minh Thuận - Trưởng ấp 11, xã Khánh Thuận cho biết: Người dân trên địa bàn ấp chủ yếu là từ nơi khác đến, cuộc sống khó khăn. Trước đây, khoảng 90% hộ dân trong ấp là hộ nghèo nhưng nhờ ngân hàng cho vay vốn, theo dõi việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích mà đời sống của người dân đi lên. Ấp có trên 100 hộ được vay vốn của ngân hàng với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng. 

Liên kết giúp hộ nghèo 

Nguồn vốn vay ưu đãi đã làm cho đời sống của bà con nơi đây giảm bớt khó khăn. Các mô hình nuôi lợn, nuôi cá bống tượng, trồng mía… đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo. 

Gia đình anh Võ Văn Đức ở ấp 20, xã Khánh Thuận đã thoát nghèo từ mô hình nuôi lợn rừng chia sẻ: “Lúc mới lập gia đình, chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Sau đó tích cóp mua được một cặp lợn rừng, nhờ được vay 10 triệu đồng nên đã mở rộng mô hình chăn nuôi, mỗi năm bán khoảng 50 lợn con, thu lãi gần 40 triệu đồng. Không những mở rộng diện tích nuôi lợn, tôi còn lặn lội lên tận Đồng Tháp để học cách làm lò và kỹ thuật quay heo để bán. Hiện tại, ngoài bán lợn con, nếu khách có nhu cầu quay thì sẵn sàng nhận với chi phí quay mỗi con lợn giá từ 150 - 200 nghìn đồng, nhờ đó gia đình đã vượt qua cảnh nghèo khó”. 

Tuy nhiều hộ gia đình nay đã thoát nghèo nhưng Giám đốc NHCSXH huyện U Minh Nguyễn Quốc Bảo vẫn còn nhiều trăn trở. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện U Minh cao gấp 1,5 lần tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh, nên nhu cầu vay vốn để sản xuất, vươn lên thoát nghèo của bà con rất cao, trong khi nguồn vốn vay có hạn. Hiện, NHCSXH huyện U Minh đang gặp khó khăn làm thế nào để tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Hồng Phượng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác