CẦN MỞ RỘNG CHO VAY HỘ CẬN NGHÈO: Điểm tựa vốn tín dụng (Bài 2)

21/12/2012
(VBSP) Trao đổi với chúng tôi, cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể các địa phương đều ủng hộ việc nới rộng quy định cho vay hộ cận nghèo để họ có cơ hội phát triển sản xuất, từ đó thoát nghèo bền vững.

Hộ cận nghèo rất cần nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư sản xuất nhằm thoát nghèo bền vững

Hộ cận nghèo rất cần nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư sản xuất nhằm thoát nghèo bền vững

Bất cập trong chính sách giảm nghèo

Không thể phủ nhận những thành quả to lớn mà chúng ta đạt được trong quá trình giảm nghèo. Đó là kết quả của tổng thể các giải pháp, từ chính sách vĩ mô đến sự hỗ trợ ngay trong mỗi bản làng, thôn xóm, trong nỗ lực tự thân vận động của người dân. Nhưng đây đó ở một vài địa phương, việc giảm nghèo chạy theo những con số thành tích đã vô hình chung đẩy người nghèo rơi vào tình cảnh khó khăn.

Cách đây vài năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Tân Thành, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) được xếp vào diện hộ nghèo của xã do bản thân ông đau ốm liên miên, thu nhập của gia đình chỉ trông vào tiền đan cói của vợ và con gái. Sau đó, do cuộc sống quá khó khăn, các con ông đều nghỉ học, theo mẹ đi làm, tính ra thu nhập của cả gia đình được khoảng 2 triệu đồng/tháng nên được xếp vào diện hộ cận nghèo. Thực tế, sau khi “lên đời”, cuộc sống của gia đình ông vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi tiền thuốc, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng trong khi các khoản trợ cấp theo tiêu chuẩn hộ nghèo không còn nữa.

Ở Tân Thành còn nhiều hộ thuộc diện như thế được cân nhắc xếp vào danh sách hộ cận nghèo. Điều đáng nói là, dù ở vào danh sách nào thì cuộc sống của họ vẫn rất gian khó khi điều quan trọng nhất là có một việc làm với thu nhập ổn định thì lại thiếu. Về phía chính quyền địa phương, vì trên đã giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm nên đành phải đưa ra một con số cụ thể rồi yêu cầu các hộ bình xét, lựa chọn hộ nào được… ở lại danh sách nghèo.

Nhìn vào báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các địa phương đều thấy tỷ lệ hộ nghèo giảm dần đều theo từng năm. Nhưng trên thực tế, con số này không mấy ý nghĩa vì tỷ lệ tái nghèo ở các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa còn cao, bởi mỗi mùa vụ họ vẫn trông đợi vào khoản trợ cấp của Nhà nước, để mỗi đợt bình xét, ai cũng mong mình trong danh sách… hộ nghèo.

Nghe có vẻ đau lòng nhưng đó lại là sự thật. Tại Pác Nặm, một trong những huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, câu chuyện thoát nghèo bền vững vẫn là bài toán khó giải khi có người trong nhiều năm liền đấu tranh để gia đình mình được xếp vào diện… hộ nghèo, vì nhìn quanh làng trên bản dưới, nhà nào cũng có hoàn cảnh giống nhau, cũng đói ăn lúc giáp hạt, cũng thiếu thốn trăm bề. Nhưng nếu có thêm một hộ vào danh sách nghèo, nghĩa là chỉ tiêu của địa phương đề ra không đạt.

Trường hợp của anh Mùng Văn Lý ở xã Nghiên Loan là câu chuyện cười ra nước mắt. Sau khi được xếp vào danh sách cận nghèo, nghĩa là không còn được nhận miễn phí phân bón, anh đã làm đơn xin quay lại làm… hộ nghèo. Thực tế, ở những vùng miền núi như Pác Nặm, chuyện thoát nghèo rồi lại tái nghèo có khi nhanh như lật bàn tay, bởi chỉ cần một đợt dịch bệnh hay rét đậm làm chết vài con trâu, bò, mấy đám nương khoanh lúa là có thể biến hộ trung bình thành cận nghèo, từ cận nghèo quay trở lại vạch xuất phát. Chính vì sự mong manh như vậy nên để công tác giảm nghèo bền vững, để mức sống tối thiểu của người dân được đảm bảo (nghĩa là không rơi vào rủi ro khi có thiên tai hoặc cú sốc kinh tế) cần có một chính sách an sinh xã hội bền vững. Theo đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ cận nghèo cần phải được tính đến vì xét cho cùng, dù đã thoát nghèo họ vẫn chưa thể tự bơi.

Cần hỗ trợ vốn

Về vấn đề hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo, có ý kiến ở Bạc Liêu cho rằng, việc mở rộng đối tượng cho vay hộ cận nghèo là vô cùng cần thiết vì thực tế ở Bạc Liêu cũng như nhiều địa phương khác, đa phần hộ cận nghèo đều chưa thoát nghèo bền vững. Vị này còn nói vui: “Cả năm người ta tích cóp, cuối năm mua được chiếc ti vi, chính quyền địa phương thấy có thu nhập nên xếp vào diện cận nghèo nhưng thực tế, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của họ vẫn thế, chưa có sự đột phá trong thu nhập thì làm sao có thể thoát nghèo bền vững. Trong khi nếu thuộc danh sách cận nghèo, họ sẽ không còn nhận được hỗ trợ như trước”.

Đó là chưa kể, mấy năm gần đây, việc sản xuất của nông dân Bạc Liêu, nhất là nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Rủi ro luôn trực chờ, nông dân cứ phải sản xuất theo kiểu “năm ăn năm thua”, kể cả những kỹ sư chuyên ngành cũng không dám nói nuôi tôm sẽ thắng. Điểm lại một vài con số cho thấy, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cứ năm sau tăng cao hơn năm trước. Nếu như năm 2009, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là 10.135ha thì năm 2010 là 21.605ha và năm 2011 là 29.518ha. Đúc kết từ thực tiễn cho thấy, phần lớn hộ nuôi tôm bị thất bại là hộ nghèo ít đất. Vì không có tiền đầu tư cho suốt quá trình nuôi nên họ chủ yếu vay nợ để mua con giống, thức ăn thủy sản, chỉ cần một rủi ro là thành quả giảm nghèo tan thành mây khói. Vì vậy, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị, nên đưa hộ cận nghèo vào đối tượng được hỗ trợ vốn ưu đãi, có thể giữ nguyên mức lãi suất như cho vay hộ nghèo nhưng định mức cho vay có thể tăng lên tối đa 40 - 50 triệu đồng/hộ để các hộ đầu tư vào sản xuất cho ra tấm ra món.

“Ngoài được ưu đãi về lãi suất, hộ cận nghèo nếu được vay vốn ưu đãi còn được hưởng những ưu đãi đặc biệt mà không tổ chức tín dụng thương mại nào đáp ứng được. Đó là ưu đãi về cách thức cho vay. Cụ thể, vay vốn ưu đãi, người dân không phải thế chấp tài sản; thủ tục vay vốn sẽ được các tổ, nhóm, hội, đoàn thể giúp. Một ưu đãi khác mà người dân được hưởng là cách xử lý nợ, cũng như cách kết hợp vừa cho vay vốn, vừa hướng dẫn làm ăn”.

Cùng chung quan điểm này, vị lãnh đạo của một ngân hàng ở tỉnh Phú Yên lại quan tâm đến đối tượng hộ cận nghèo ở thành thị. “Trên thực tế, dù cuộc sống của hộ cận nghèo ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn có thể bươn chải lo cho cuộc sống hàng ngày từ chính vườn rau, mảnh vườn của gia đình, nghĩa là có thể tự chủ được phần nào lương thực, thực phẩm. Còn đối tượng cận nghèo ở thành thị thường không có việc làm và thu nhập ổn định, để đảm bảo cuộc sống, họ bắt buộc phải đi vay nặng lãi. Chính vì vậy, tôi cho rằng, giải quyết những vấn đề của hộ cận nghèo ở thành thị sẽ khó khăn hơn nhiều”.

Vị lãnh đạo này dẫn chứng một câu chuyện có thật ở địa phương, đó là có nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở thành thị mưu sinh bằng cách, sáng sớm ra chợ vay lãi, sau đó về các vùng nông thôn mua rau, quả, thực phẩm về bán, cuối buổi thanh toán nợ gốc và lãi cho chủ nợ, số tiền còn dư thì trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Chính quyền hỏi, sao không làm thủ tục xin vay vốn ưu đãi từ Nhà nước, họ trả lời: “Vì không quản lý được tài chính, sợ lãi mẹ đẻ lãi con nên làm ngày nào tính ngày đó cho ăn chắc”. Rõ ràng, câu chuyện giảm nghèo ngoài cần nguồn vốn còn cần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân.

Từ thực tế này, vị lãnh đạo trên đề ra sáng kiến là có thể cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay trả góp, từ đó giúp họ có nguồn tài chính ổn định để phục vụ sản xuất. Đồng thời không nên áp dụng tư duy bao cấp trong việc hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho người dân. Để kích thích tư duy về kinh tế thị trường, giúp họ đẩy mạnh sản xuất, phía ngân hàng có thể khuyến khích bằng cách nếu họ trả nợ đúng hoặc trước kỳ hạn thì giảm phần trăm lãi suất.

Có thể nói, khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo ở nước ta không lớn, bản thân hộ cận nghèo cũng chịu nhiều nguy cơ, rủi ro khi sản xuất còn thiếu tính bền vững (hiện, chuẩn hộ cận nghèo của Việt Nam còn thấp hơn chuẩn nghèo thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chuẩn nghèo được xác định chung không phân biệt thành thị, nông thôn là thu nhập dưới 60 USD/người/tháng, tương đương khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng). Vì vậy, chính sách tín dụng cho đối tượng này là thực sự cần thiết, nhằm tạo ra “cú hích” trong phát triển kinh tế. Nhưng đừng nên xem đây là nguồn vốn cứu tế xã hội mà là động lực để người dân vươn lên trong cuộc sống bằng những giải pháp sản xuất hay sinh kế mang tính bền vững. Quan điểm của vị lãnh đạo trên có thể giữ nguyên mức lãi suất cho vay như hộ nghèo nhưng định mức cho vay có thể tăng lên 40 - 50 triệu đồng. Nguồn vốn này có thể chưa giúp người nghèo giàu ngay nhưng sẽ là đòn bẩy để họ ổn định cuộc sống.

Phương Nguyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác