CẦN MỞ RỘNG CHO VAY HỘ CẬN NGHÈO: Nỗ lực để không tái nghèo (Bài 4)

21/12/2012
(VBSP) Bằng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng nhà ở..., mỗi năm hàng chục nghìn hộ nghèo trên cả nước đã thoát nghèo, từng bước vươn lên. Tuy nhiên, để giữ được thành tích đó không dễ, bởi trong điều kiện kinh tế còn nhiều biến động, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi diễn biến khó lường như hiện nay, nguy cơ những hộ này tái nghèo rất cao. Và vấn đề vốn cho hộ cận nghèo đã được nhắc đến như một giải pháp hữu hiệu.
Tuy đã thoát nghèo nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Chiến vẫn chưa yên tâm

Tuy đã thoát nghèo nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Chiến vẫn chưa yên tâm

Nguy cơ tái nghèo

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở thôn Hạ Vĩ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân (Hà Nam) thuộc diện nghèo nhất xã. Năm 2010, ông được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng theo chương trình tín dụng phục vụ XKLĐ. Đồng vốn ấy đã thực sự mở ra cơ hội mới cho gia đình ông, khi người thân được đi lao động ở nước ngoài, hàng tháng gửi tiền về trả nợ. Ngoài ra, gia đình còn có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Ông Cường tâm sự: “Nhờ đồng vốn ý nghĩa đó mà kinh tế gia đình tôi đã ổn định. Tuy nhiên, nếu được vay thêm vốn thì tôi mới có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế có quy mô lớn và không lo tái nghèo nữa”.

Trước đây, gia đình ông Đỗ Văn Thích và bà Nguyễn Thị Trúc ở xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân từng phải sống trong cảnh chạy ăn từng bữa. Được NHCSXH cho vay vốn, ông có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo, lo cho các con ăn học đầy đủ nhưng những khó khăn không phải đã hết khi tình hình sản xuất ngày càng khó khăn, giá cả đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm nông nghiệp lại giảm. Ông Thích chia sẻ: “Nhờ đồng vốn của ngân hàng, kinh tế gia đình tôi đã ổn định nhưng nếu bây giờ không được vay thêm vốn, quả thực việc mở rộng quy mô sản xuất rất khó khăn”.

Ông Hoàng Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Chính Lý, huyện Lý Nhân cho biết: “Chính Lý là một trong những xã nghèo của huyện, do chưa có sinh kế bền vững nên tỷ lệ tái nghèo cao. Theo tôi được biết, hiện nay hộ cận nghèo không thuộc đối tượng được vay vốn ưu đãi. Đây là một thiệt thòi lớn vì nguồn vốn của ngân hàng tuy không lớn nhưng giải ngân nhanh, kịp thời, thủ tục vay đơn giản nên có thể giúp họ nhanh chóng phát triển sản xuất. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để các hộ cận nghèo được thoát nghèo bền vững…”.

Rời Hà Nam, chúng tôi tìm lên các xã miền núi của tỉnh Tuyên Quang. Tại thôn Hòa Bình, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Chiến kể lại hành trình thoát nghèo của gia đình. Điều đáng nói là hành trình ấy dù đã rất gian nan, vất vả nhưng cũng khó bền vững, bởi gia đình chị đã từng ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã nhưng chỉ sau một đợt dịch bệnh trên đàn gia súc, là quay trở về mốc… hộ nghèo. Năm 2006, để có tiền cho con trai là Ninh Văn Tiến đi XKLĐ tại Malaysia, gia đình chị Chiến đã vay 18 triệu đồng của ngân hàng. Tuy nhiên, khi sang Malaysia, Tiến không có việc làm nên một năm sau thì về nước với hai bàn tay trắng. Nợ cũ chồng nợ mới, năm 2006, chị Chiến thế chấp sổ đỏ lấy 15 triệu đồng. Có tiền chị mua 500 con gà, 4 con lợn về nuôi với mong muốn thoát nghèo. Nhưng rủi ro liên tiếp đổ lên gia đình chị, cuối năm 2011, dịch bệnh tràn qua khiến toàn bộ gia súc, gia cầm bị chết. Rất may, thời điểm đó, chị được NHCSXH “bơm” vốn kịp thời để khôi phục sản xuất nên đầu năm 2012 gia đình đã nằm trong danh sách hộ cận nghèo. Dù được “nâng cấp” nhưng chị Chiến vẫn không khỏi lo lắng, không phải vì lo mất các khoản trợ cấp dành cho hộ nghèo mà điều cơ bản nhất là mất đi cái “phao” là nguồn vốn của NHCSXH.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Trưởng thôn Hòa Bình cho biết: “Thôn có 176 hộ với 456 khẩu, trong đó có 10 hộ thuộc diện nghèo, 7 hộ cận nghèo, 2 hộ tái nghèo. Những hộ cận nghèo cuộc sống cũng rất vất vả, khó khăn nếu không được tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhất là về vốn”.

Quan tâm đến hộ cận nghèo

“Ngày   21/6/2012, Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 26/2012/QH13 về việc tiếp tục   nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho   nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong   đó có một số nội dung đáng chú ý như sau: Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà   nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo vốn 5 năm sau cao gấp 2   lần 5 năm trước. Tập trung đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ   trong nông nghiệp, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ chế   biến sau thu hoạch, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản. Sớm   hoàn thiện cơ bản hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, phục vụ tưới tiêu   chủ động cho diện tích lúa hai vụ, các vùng cây công nghiệp và nguyên liệu, nuôi   trồng thủy sản tập trung. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu   tư, tập trung các nguồn vốn, huy động nội lực trong nhân dân, xây dựng nông   thôn mới.

Phát   triển mạng lưới tín dụng nông thôn, tăng thêm các Điểm giao dịch của Ngân   hàng thương mại trên địa bàn nông thôn. Khuyến khách các ngân hàng, tổ chức   tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là   tăng mức và kỳ hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng,   từng loại cây, con. Tăng thêm nguồn   vốn cho NHCSXH để tăng mức cho vay nhất là cho chăn nuôi, gia súc, gia cầm;   mở rộng đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn của NHCSXH, phát triển thêm các   ngành nghề ở nông thôn. Nghiên cứu, đổi mới chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ   cận nghèo nhằm giảm nghèo bền vững…”.

Về giải pháp hỗ trợ hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội ND xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân cho rằng: “Nhà nước nên mở rộng đối tượng vay vốn, cụ thể là đưa hộ cận nghèo vào diện vay vốn ưu đãi. Từ khi có chương trình cho hộ nghèo vay vốn của NHCSXH, tôi thấy đời sống người dân được nâng cao, nhiều hộ đã từng bước vượt qua khó khăn nhờ những đồng vốn tưởng như nhỏ bé. Điều đáng nói là khi vay vốn của NHCSXH, họ không chỉ có tiền để sản xuất mà còn được cán bộ tín dụng, tổ chức hội, đoàn thể tư vấn cách làm ăn, cách chi tiêu, hạch toán kinh tế. Nếu hộ cận nghèo được tiếp cận vốn dài hơn với định mức cho vay lớn hơn thì tôi tin họ sẽ có hướng phát triển bền vững. Theo tôi, quan điểm về giảm nghèo cũng cần phải có sự thay đổi, bên cạnh việc hỗ trợ vốn, lương thực, nhà ở cho hộ nghèo cũng cần có chính sách kích thích hộ cận nghèo phát triền sản xuất, để các hộ nghèo lấy đó làm gương mà phấn đấu làm ăn, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung: “Vốn vay ưu đãi của Chính phủ thực sự phát huy được hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện công cuộc giảm nghèo. Tuy nhiên, tại địa phương hiện nay vẫn còn nhiều hộ cận nghèo, hộ có nguy cơ tái nghèo cao vì không được tiếp tục vay vốn ưu đãi để tái đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ bổ sung đối tượng hộ cận nghèo vào danh sách được vay vốn ưu đãi.

Ông Lê Văn Hoạch, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Nam cho rằng: “Cho vay hộ cận nghèo sẽ giúp việc giảm nghèo bền vững hơn. Tại Hà Nam, theo Quyết định số 854 của UBND tỉnh, chúng tôi đã cho vay hộ cận nghèo, bước đầu kết quả rất khả quan”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Bình, Giám đốc NHCSXH tỉnh Tuyên Quang nêu quan điểm: “Hiện, trên địa bàn tỉnh có 140/141 Điểm giao dịch tại các xã, phường. Tuy nhiên, đối tượng của ngân hàng cho vay chỉ là những hộ nghèo, còn hộ cận nghèo vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Tôi nghĩ Chính phủ nên đưa hộ cận nghèo vào đối tượng được vay vốn với các cơ chế như nâng cao mức lãi suất lên cao hơn hoặc bằng với hộ nghèo”.

Ông Bàn Chí Thanh, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH tỉnh Tuyên Quang) cho biết: “Hiện các hộ cận nghèo chưa có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng nên không có vốn để quay vòng sản xuất. Đây là nguyên nhân xảy ra tình trạng các hộ nghèo không muốn thoát nghèo. Tôi nghĩ Nhà nước nên có cơ chế mở rộng đối tượng vay vốn ưu đãi cho cả hộ cận nghèo, có như vậy họ mới có cơ hội thoát nghèo bền vững”.

 

Kim Đức, Hoàng Văn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác