Thời sự huyện nghèo

22/12/2012
(VBSP) Bắc Hà có khoảng 5,4 vạn dân, trong đó đồng bào DTTS Mông, Dao, Phù Lá, La Chí... chiếm trên 80%. Năm 2011, toàn huyện có 997 hộ thoát nghèo - là năm có số hộ nghèo giảm cao nhất từ trước đến nay (10,07%), tỷ lệ nghèo toàn huyện từ 59,56% (năm 2010) xuống còn 49,49%. Đặc biệt, có 98 hộ cận nghèo tình nguyện làm đơn thoát nghèo. Đây là chuyện "xưa nay hiếm" (!)
Bà con DTTS ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) được mùa mận Tam hoa

Bà con DTTS ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) được mùa mận Tam hoa

 Bắc Hà cùng với Mường Khương và Si Ma Cai là 3 huyện nghèo vùng cao, được gọi là “cổng trời” của tỉnh Lào Cai. Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên và xã hội (chủ yếu đồng bào DTTS), trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Hà đã chú trọng công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, giúp họ thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trong phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo.

Huyện chỉ đạo các ngành liên quan và UBND 21 xã, thị trấn thực hiện tốt công tác rà soát số hộ nghèo, cận nghèo và nguyên nhân nghèo, triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp xóa nghèo. Huyện đã xây dựng và triển khai 5 chương trình, gồm 12 đề án xóa nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh phù hợp với thực tế, trọng tâm hướng về cơ sở; trong đó: chú trọng hàng đầu công tác XĐGN, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn vùng cao, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp; thương mại - du lịch, dịch vụ. Huyện giao mỗi tổ chức hội, đoàn thể cơ sở và động viên hộ gia đình khá, giàu giúp đỡ từ 1 - 2 hộ nghèo về vốn và kinh nghiệm làm ăn. Cùng với phát huy nội lực, Bắc Hà tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng năm 2011, có trên 8 nghìn lượt người được tập huấn KHKT về sản xuất nông - lâm nghiệp, 65 người đi XKLĐ; 300 người được đào tạo nghề; Nhà nước hỗ trợ 260 tấn giống ngô lai, lúa giống mớí; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho 3.819 hộ nghèo vay 56,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất.

Thực hiện Nghị quyết 30a, Bắc Hà tập trung huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là những xã khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm (y tế), thủy lợi, giao thông được nâng cấp, làm mới. Với chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, Bắc Hà đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó: chủ lực là cây mận Tam hoa truyền thống và tập đoàn cây ăn quả ôn đới, cây thuốc a-ti-sô. Theo số liệu của Trại rau quả Bắc Hà, hiện toàn huyện có hơn 400ha mận Tam hoa, gần 100ha lê xanh và lê Tai Nung, 70ha đào Pháp…, tổng sản lượng đạt khoảng 2 nghìn tấn quả, đem lại cho nông dân khoảng 30 tỷ đồng/năm. Đây chính là mũi nhọn xóa nghèo bền vững và làm giàu của nông dân Bắc Hà.

Ông Vàng Văn Mạnh, một lão nông người Tày, tuổi ngót lục tuần, bộc bạch tâm tư khi khách đến thăm nhà: hơn chục năm trời triền miên “đội sổ” danh sách hộ nghèo ở thôn Na Hô, xã Tà Chải xấu hổ lắm, nhưng không biết làm cách nào để thoát được. Dự án “Cải tạo, phục trang vườn mận Tam hoa, trồng cây ăn quả ôn đới” và “Phát triển chăn nuôi lợn sạch” của huyện thực sự là chiếc “cần câu” giúp cho gia đình ông, nhiều hộ trong thôn, trong xã và rộng ra cả huyện có điểm tựa để thoát nghèo. 3 năm qua được Nhà nước hỗ trợ 1 tạ phân bón NPK/năm, được cán bộ Phòng kinh tế, Trung tâm khuyến nông huyện đến tận nhà “cầm tay chỉ việc”, được Nhà nước cho vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi… Có vốn, có kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất vườn mận hơn trăm gốc già cỗi, hồi sinh, chăn nuôi phát triển. “Mình vui lắm - ông Mạnh hồ hởi nói, từ “đội sổ” nghèo, giờ lên “đầu sổ” thoát nghèo. Tiền bán mận, bán lợn nhà thừa ăn, đủ mặc, trả hết nợ ngân hàng… Thế là mình làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho hộ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn thoát nghèo”.

Không riêng gì ông Mạnh, năm 2011 toàn xã Tà Chải có 38 hộ viết đơn tự nguyện ra khỏi hộ nghèo, trong đó riêng thôn Na Hô của ông Mạnh có 14 hộ. Nhiều xã trong huyện, như Na Hối gần 40 hộ, Bảo Nhai 20 hộ xin trả lại sổ nghèo. Đây là minh chứng rõ rệt nhất cho sự đổi thay ở huyện nghèo và là câu chuyện thời sự đã và đang được bàn luận sôi nổi ở cao nguyên Bắc Hà - bốn mùa trắng sương, mây.

Bài và ảnh Hồ Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác