Mường Nhé giúp dân giảm nghèo

21/12/2012
(VBSP) Theo kết quả điều tra đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mường Nhé vẫn chiếm 77,87%. Một bộ phận dân cư còn giữ tập quán du canh du cư, canh tác sản xuất lạc hậu, manh mún nên số hộ nghèo ở nhà tranh, tre nứa, lá chiếm tỷ lệ cao nhất so với các huyện trong toàn tỉnh, vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai các chương trình giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Người dân bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn khai thác nông sản tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình

Người dân bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn khai thác nông sản tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình

Việc thụ hưởng Nghị quyết 30a cùng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp đồng bào các dân tộc địa phương có điều kiện tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng những cây, con giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Việc thụ hưởng Nghị quyết 30a cùng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp đồng bào các dân tộc địa phương có điều kiện tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng những cây, con giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trên cơ sở khảo sát thực tế các hộ nghèo trên địa bàn, huyện đã tập trung hỗ trợ mua giống trâu, bò và làm chuồng trại chăn nuôi gia súc cho trên 400 hộ. Để công tác hỗ trợ đạt hiệu quả, Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện hướng dẫn cơ sở lập sổ theo dõi, quản lý để bà con nông dân chăm sóc, phòng chống dịch bệnh tốt hơn. Trong 2 năm 2010 và 2011, tổng số tiền hỗ trợ giống sản xuất nông nghiệp vụ mùa cho bà con nông dân toàn huyện đã xấp xỉ 3 tỷ đồng. Ngoài ra còn có trên 1 tỷ đồng hỗ trợ các giống đậu tương, lạc, cây ăn quả. Nhiều nơi đất bị hoang hóa, thiếu nước tưới đã được cải tạo, xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước, nhờ đó đến nay đã chuyên đổi trồng lúa 2 vụ. Việc đưa vào trồng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn đã giúp bà con thay đổi các giống lúa cũ canh tác lâu năm, năng suất thấp, khả năng kháng chịu sâu bệnh, thời tiết kém. Vụ đông xuân 2010 nhiều hộ dân ở bản Nậm Tắt, xã Nà Bủng phấn khởi tham gia mô hình thâm canh lúa nước do Phòng NN và PTNT huyện triển khai trên diện tích 6,75ha. Cũng chung niềm vui đó, vụ mùa năm 2011, đồng bào dân tộc thiểu số xã Leng Su Sìn đã được Nhà nước hỗ trợ 600kg giống lúa Nhị ưu 838 để thay thế các giống địa phương. Thấy năng suất giống Nhị ưu 838cao hơn, đạt 43 tạ/ha, vụ mùa năm nay nhiều hộ dân ở các xã Pa Tần và Chung Chải cũng đưa vào gieo cấy. Nếu như vài năm trước đây rau xanh, lương thực cung cấp cho địa bàn hầu hết phải đưa từ T.P Điện Biên Phủ và một số vùng lân cận vào thì nay đã khác. Với sự tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều hộ đã biết trồng rau phục vụ nhu cầu của gia đình, nhiều nhất là tại xã Mường Nhé. Hộ nào có diện tích đất vườn, đất nương rộng còn có thể mang bán, trao đổi hàng hóa tại chợ thị trấn.

Có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai để trồng các loại cây ăn quả, huyện Mường Nhé đã chú trọng đưa các loại cây ăn quả vào trồng. Như mô hình trồng 44ha chuối tiêu hồng ở các xã: Sen Thượng, Sín Thầu, Mường Nhé, Leng Su Sìn với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng. Thấy hiệu quả và lợi ích kinh tế, sau hơn 2 năm triển khai, đến nay giống chuối tiêu hồng đã được bà con nhân rộng ra nhiều xã, bản khác. Nhằm giúp người dân áp dụng hiệu quả các mô hình chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, huyện Mường Nhé đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình cụ thể cho nông dân, sau khi kết thúc mô hình tổ chức họp, rút kinh nghiệm. Ngoài ra các hộ nghèo còn được hỗ trợ hỗ trợ giống, phân bón nên việc chăn nuôi, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng ngày một tốt hơn. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, hơn 3 năm qua, hàng trăm hộ dân ở các xã, bản của huyện Mường Nhé đã được hỗ trợ khai hoang phục hóa với gần 300ha đất với số tiền hàng tỷ đồng. Sự hỗ trợ này thực sự mang lại hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong tập quán canh tác của người dân, giúp nhiều hộ dân thay đổi suy nghĩ, cách làm thụ động trước đây.

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Nhờ chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện các hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 67,7%. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, huyện sẽ chú trọng mở rộng ngành nghề trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng xã. Đồng thời phát triển mạnh chăn nuôi trâu bò có chăn dắt, có chuồng trại; tận dụng triệt để chân ruộng một vụ trồng thêm các giống đậu tương, ngô lai có năng suất cao. Những nơi có diện tích mặt nước sẽ tận dụng nuôi thả cá theo hướng tập trung có đầu tư kỹ thuật, thức ăn.

Nguyễn Phúc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác