Mô hình “Vay bò trả bê”: Giúp nông dân thoát nghèo bền vững

21/12/2012
(VBSP) Chị Trương Thị Phương, dân tộc Dao ở thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tâm sự: Năm 2004, gia đình tôi được vay một con bò, sau 14 tháng tôi đã trả cho Hội ND xã một con bê cái. Thời điểm nhiều nhất, gia đình tôi có tới 7 con bò. Nhờ vậy, chúng tôi đã có vốn để phát triển kinh tế và thoát nghèo.
2 con bò của gia đình anh Phạm Văn Sơn, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) từ chương trình

2 con bò của gia đình anh Phạm Văn Sơn, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) từ chương trình

Chương trình được triển khai ban đầu với 446 con bò cho 446 hộ nghèo, hộ chính sách thuộc 19 xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Lâm Bình, Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và Yên Sơn vay. Tổng số bò cho vay trị giá hơn 9 tỷ đồng. Các hộ được vay bò đều do các Chi Hội ND bình xét công khai, dân chủ từ dưới cơ sở. Hình thức vay là mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò cái giống, không lấy lãi. Sau đó, hộ được vay phải trả một con bò cái giống để tiếp tục luân chuyển cho các hộ khác và giữ lại con bò ban đầu để tiếp tục phát triển chăn nuôi. Anh Ma Ngọc Hoàn, Chủ tịch Hội ND xã Minh Dân, huyện Hàm Yên cho biết, xã có 34 hộ tham gia chương trình vay bò trả bê, nhưng có 1 hộ duy nhất gặp rủi ro do bò bị chết rét nên còn lại 33 hộ thực hiện. Đến nay, từ 33 con bò ban đầu (pha 1), xã đã có 33 hộ thực hiện pha 2, 26 hộ thực hiện pha 3 và 4 hộ thực hiện pha 4, tổng số bò đã lên đến 106 con. Trong đó, nhiều hộ sau khi trả được bê con đã phát triển đàn bò lên 3 đến 5 con.

Cùng với việc cho vay bò, Hội ND tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, giúp các hộ tham gia chương trình có thêm kiến thức, chăm sóc bò được tốt hơn. Đặc biệt, đối với những hộ là hội viên nông dân thuộc vùng dân tộc thiểu số, được tham gia chương trình đã giúp hội viên thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc từ thả rông sang nhốt chuồng, tạo điều kiện chăm sóc bò được tốt hơn, tỷ lệ rủi ro dẫn đến bò bị chết rất hạn chế. Đàn bò phát triển đã giúp tạo việc làm cho gia đình hội viên, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, có thêm vốn để phát triển kinh tế. Hiện nay, tổng số bò trong toàn tỉnh đã có hơn 2 nghìn con, trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, nhiều xã thực hiện hiệu quả như Phú Thịnh, Đạo Viện, Hùng Lợi (Yên Sơn); Kim Bình, Minh Quang (Chiêm Hóa), Thượng Lâm, Xuân Lập (Lâm Bình), Minh Dân (Hàm Yên), Trung Yên (Sơn Dương)…

Trong những năm qua, từ Chương trình vay vốn chăn nuôi bò, đã có 223/296 hộ hội viên nông dân thoát nghèo. Anh Đinh Công Chiến, Chủ tịch Hội ND xã Phú Thịnh (Yên Sơn) cho biết: “Từ 8 con bò cho vay ban đầu đến nay, toàn xã đã có hơn 40 con. Trong 8 năm, xã có 24 hộ được vay bò chăn nuôi đã thoát nghèo bền vững, tiêu biểu như hộ ông Vũ Văn Hà, thôn Đát Trà, bà Tạ Thị Nga, thôn Đèo Bụt…”. Thoát nghèo từ chương trình vay vốn chăn nuôi bò năm 2011, chị Nguyễn Thị Hiệp ở thôn Trung Tâm, xã Minh Dân (Hàm Yên) phấn khởi nói: “Gia đình tôi được vay bò năm 2010, đến nay đã trả được 1 con bê cho Hội ND. Vừa qua, con bò mẹ còn đẻ thêm 1 con bê đã được gần 1 tháng tuổi. Nguồn thức ăn cho bò có trong tự nhiên, vì vậy không tốn kém, ngoài ra còn giúp tạo việc làm cho mọi người trong gia đình”.

Để chương trình thực hiện hiệu quả, các cấp Hội ND còn thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ được vay, thực hiện bấm lỗ tai cho bò để thuận lợi cho công tác theo dõi, đánh giá. Sắp tới, Hội ND tỉnh Tuyên Quang sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Vay bò trả bê” để rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng, nhằm thiết thực giúp hộ hội viên nghèo, hộ gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyền Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác