Đổi mới ở xã Anh hùng

22/12/2012
(VBSP) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với những đóng góp to lớn về sức người, sức của, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đến công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, Thạch Hạ được chọn làm xã điểm thực hiện đề án Đổi mới công tác tín dụng chính sách của TP. Hà Tĩnh nên cuộc sống của người dân ở xã Anh hùng này đang dần đổi thay.
Nghề thủ công mây tre đan đang được cấp ủy, chính quyền quan tâm đặc biệt

Nghề thủ công mây tre đan đang được cấp ủy, chính quyền quan tâm đặc biệt

 Ông Trần Thế Dũng - Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi chọn Thạch Hạ làm điểm xây dựng Đề án đổi mới công tác tín dụng chính sách của thành phố là rất đúng bởi tiềm năng và con người nơi đây luôn sẵn sàng, nhiệt huyết, đã nói là làm và họ đã biết cách sử dụng vốn vay ưu đãi của Nhà nước kết hợp với công tác ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để xóa nghèo bền vững, làm giàu chính đáng”.

Thực tế 3 năm qua, được sự giúp đỡ trực tiếp của Nhà nước, Ban chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo sát sao, cụ thể các tổ chức hội, đoàn thể làm công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi và xây dựng củng cố chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, tập trung hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách, sử dụng 43 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, như hoàn thành mô hình rau sạch 5ha, mở rộng vùng chăn nuôi thuỷ cầm, thuỷ sản.

“Trong quá trình thực hiện Đề án đổi mới công tác tín dụng chính sách, xã Thạch Hạ còn động viên các hộ dân sử dụng vốn vay đầu tư công tác chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quan tâm đến hiệu quả vốn vay ưu đãi với sự phát triển các loại hình kinh tế tập thể ở làng, xóm nhằm thu hút, lao động, giải quyết lao động, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách cho địa phương”. Quả đúng như lời “khoe” của ông Chủ tịch UBND xã Hạ Trương Dung, chúng tôi thấy ở các xóm Neo, xóm Cồn đến làng Gấm, làng Hạ… tất cả đã trở thành làng nghề với một không khí lao động khẩn trương, nhà nhà làm nghề, người người học nghề và ngành nghề gắn với thị trường tiêu thụ, tạo nhiều việc làm trên địa bàn. Đơn cử ở xóm Cồn, đại bộ phận hộ nghèo đều nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện đề án vay vốn, sử dụng vốn chính sách vào sản xuất, thực hiện mục đích thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống gia đình. Hiện tại, vùng quê này có tới 120 hộ nông dân vay vốn, bình quân mỗi hộ vay 20 - 30 triệu đồng để mở nghề mây tre đan. Các sản phẩm truyền thống như bàn ghế, khay nước, giỏ xách tay… do người dân làm ra gửi đi trưng bày tại các Hội chợ triển lãm, được người tiêu dùng tin tưởng và bước đầu thu kết quả ngoài mong đợi. Chị Võ Thị Hoài vui vẻ tâm sự: “Gia đình tôi đã vay vốn ưu đãi để thâm canh đồng ruộng, xây dựng công trình nước sạch nhưng kết quả hơn cả vẫn là vốn GQVL của Nhà nước để làm nghề mây tre đan”.

Anh Lê Phú Bến ở làng Trung Vàng cũng cho biết; nhờ vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi tôm trên cát mà vụ vừa qua đã thu về hàng trăm triệu đồng lãi. Để đáp ứng thị trường tiêu thụ, anh vừa lập dự án mở rộng vùng sản xuất và được Nhà nước giúp đỡ giải quyết cho vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình GQVL. Anh Bến hồ hởi nói với chúng tôi “Được Đề án đổi mới công tác tín dụng chính sách tiếp sức mạnh, gia đình tôi cùng nhiều bà con trong làng kịp nắm cơ hội về vốn liếng, kỹ thuật, thi đua sản xuất, mở mang ngành nghề nhằm tăng nguồn thu từ làng quê, tạo đủ việc làm ở khu vực nông thôn”.

Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạch Hạ trong việc thực hiện Đề án đổi mới công tác tín dụng, chính sách, cần phải nhắc đến công tác đầu tư, giúp đỡ của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự hỗ trợ trực tiếp, hiệu lực từ vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Mai Hoa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác