Giúp người nghèo yên tâm khi mùa mưa bão đến
Chương trình hợp lòng dân
Các thôn Định Trung 1, Định Trung 2, Long Hòa của xã An Định (Tuy An) và Tân Long, Tân Hòa của xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) có đặc điểm chung là nằm ven sông Cái, ở khu vực trũng thấp khiến việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Mỗi khi lũ về, nước chảy xiết, thuyền bè cứu hộ cũng rất khó tiếp cận với khu vực này nên bà con tự ứng cứu tại chỗ là chính. Bà Nguyễn Thị Bụt (81 tuổi) ở thôn Định Trung 2, xã An Định nhớ lại: Sống đến từng này tuổi, tôi chưa bao giờ thấy trận lụt nào lớn như năm 2009. Năm đó, nước lên nhanh chưa từng thấy. Buổi chiều, khi tôi ra đồng, nước chỉ mới xâm xấp mặt ruộng; đến 8 giờ tối đã thấy nước vào đến sân, rồi cứ thế lên như diều gặp gió. Mấy bà cháu tôi chỉ kịp leo lên mái nhà ngồi co ro, cầu trời cho nước đừng lên nữa. Hơn một đêm và một buổi sáng, chúng tôi phải chịu lạnh, chịu đói, nghe tiếng ca nô cứu hộ chạy bên ngoài nhưng gọi chẳng ai nghe. Vả lại, nếu có nghe thì họ cũng chẳng vào được vì khu vực này nhiều cây cối rậm rạp.
Hiện bà Bụt đang sống cùng nhà với hai vợ chồng con trai và một cháu nhỏ. Nhà nghèo, làm vài sào ruộng không đủ ăn, vợ chồng con trai bà phải đi làm thuê làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống. “Đợt này, gia đình tôi cố gắng kiếm đủ 10 triệu đồng, góp thêm vào tiền hỗ trợ của Nhà nước để xây cho bằng được chòi tránh lũ. Khi có chòi, chúng tôi mới yên tâm hơn mỗi khi mùa lũ về”, bà Bụt chia sẻ.
Còn ông Đặng Văn Tâm ở thôn Định Trung 3, xã An Định thì cho hay: Nhà nước hỗ trợ cho ba mẹ tôi được một suất vay vốn xây chòi tránh lũ. Ngặt nỗi, hai ông bà đã quá già, không làm gì ra tiền nên không biết tìm đâu 10 triệu đồng. Vì vậy, tôi đã bàn với vợ, dù nhà mình cũng khó khăn nhưng phận làm con sẽ cố gắng vay mượn hàng xóm để làm chòi tránh lũ cho ba mẹ. Theo ông Tâm, chính sách hỗ trợ và cho vay vốn xây chòi tránh lũ là một động lực để người nghèo thêm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Ông Đoàn Văn Hải, một hộ nghèo được vay vốn xây chòi tránh lũ cũng cho biết: Tôi đã sống ở thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân từ nhỏ nên biết rõ sự thất thường của thời tiết vùng này. Mỗi khi có lũ, nước sông dâng lên nhanh không kịp trở tay, heo gà, lúa thóc nếu không di dời kịp thì đều mất trắng cả. Mấy năm trước, gia đình tôi đã dự định xây dựng nhà để tránh lũ, nhưng vì kinh tế còn khó khăn nên không có điều kiện làm. Nay, Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng chòi tránh lũ, chúng tôi rất phấn khởi. Gia đình sẽ cố gắng gom góp thêm tiền xây được chòi kiên cố để có nơi tránh trú mỗi khi bão, lụt đến.
Cần thêm sự hỗ trợ
Theo ông Đào Văn Năm, Trưởng thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân thì mặc dù người dân trong vùng đã chủ động chuẩn bị thuyền để “sống chung với lũ” nhưng vẫn không thể lường hết được sự “đỏng đảnh” của thời tiết. Nếu được hỗ trợ xây chòi tránh lũ, người nghèo sẽ an tâm hơn mỗi khi bão lũ về. Còn ông Phan Văn Ba - Chủ tịch UBND xã An Định, huyện Tuy An thì cho biết: “Mỗi hộ muốn được vay vốn xây chòi tránh lũ phải ký cam kết có đủ vốn đối ứng tối thiểu. Tuy nhiên, đối với hộ nghèo, chạy ăn từng bữa đã khó, “chạy” thêm ít nhất 10 triệu đồng nữa trong thời gian này là sự cố gắng lớn. Với quy định tối thiểu 30 triệu đồng/chòi, nếu bà con nào đang xây hoặc sửa chữa nhà thì việc làm thêm chòi tránh lũ sẽ rất tiện lợi; còn nếu chỉ xây chòi riêng, e rằng rất khó để có được một nơi kiên cố để tránh bão lũ trong thời gian dài. “Để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm hơn mỗi khi bão, lũ đến, chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ để người dân có thêm vốn xây được chòi tránh lũ bền vững, thích ứng với điều kiện thực tế tại địa phương”, ông Ba nói.
“Chương trình cho vay vốn xây dựng chòi tránh lũ được thực hiện theo Quyết định số 716/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên. Mức hỗ trợ theo ngân sách Trung ương 10 triệu đồng/hộ; NHCSXH cho vay tối đa 10 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, các hộ gia đình cam kết đóng góp và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ”. |
Theo kế hoạch, dự án thí điểm xây dựng chòi tránh lũ tại hai xã An Định và Xuân Sơn Nam sẽ được thực hiện từ tháng 10. Hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đã trình UBND tỉnh này 5 mẫu thiết kế chòi phòng tránh lũ, lụt phù hợp với đặc trưng khí hậu, địa chất tại các khu vực nằm trong vùng dự án. Các mẫu chòi có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích tối thiểu 10m², trụ và sàn bằng bê tông cốt thép. Khi lũ lên, đây không chỉ là nơi cư ngụ của người dân mà còn có thể cất tài sản và nhốt được cả gia súc, gia cầm.
Ông Đào Tấn Nguyên - Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên cho biết: “Khi tỉnh chọn được phương án thiết kế và triển khai đến người dân, ngân hàng sẽ bắt đầu giải ngân vốn để hộ nghèo có tiền mua vật liệu xây dựng. Mỗi hộ được vay tối đa 10 triệu đồng, lãi suất 3%/năm, thời hạn vay 10 năm, trong đó ân hạn 5 năm. Ngoài ra, hộ nghèo có thể làm thủ tục vay vốn một số chương trình khác của NHCSXH để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập”.
Lê Hảo
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Lo ngại hơn 30% số hộ cận nghèo tái nghèo
- » LO TÁI NGHÈO VÌ... THIẾU VỐN: Tiềm ẩn tái nghèo
- » Đổi mới ở xã Anh hùng
- » NHCSXH sơ kết công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại khu vực Tây Nam Bộ và một số chi nhánh tỉnh, thành phố
- » Ngân hàng nghèo cũng tái cơ cấu
- » Thời sự huyện nghèo
- » ADB giúp Việt Nam phát triển khu vực tài chính vi mô hài hòa, theo định hướng thị trường
- » Đấu thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh
- » Tiếp sức cho hộ cận nghèo
- » Mường Nhé giúp dân giảm nghèo