Kim Sơn phát triển kinh tế biển

22/12/2012
(VBSP) Nếu như trước đây, mô hình khai hoang của huyện Kim Sơn, vùng biển duy nhất có chiều dài 15km của tỉnh Ninh Bình là quai đê trồng lúa, cói thì bây giờ là quai đê nuôi trồng thuỷ sản. Với khoảng 4.000ha mặt nước tiềm năng ven biển (bao gồm khu bãi ngang và dải cồn nổi) huyện Kim Sơn đã tận dụng được thế mạnh đó và có những biện pháp khai thác thế mạnh, nhất là việc động viên, khuyến khích nông dân vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi để phát triển nghề nuôi tôm sú, cua biển, tôm rảo và ngao.
Nông dân Kim Sơn thu hoạch tôm sú để xuất bán ra thị trường

Nông dân Kim Sơn thu hoạch tôm sú để xuất bán ra thị trường

 Mặc dù, địa phương mới chuyển hướng sản xuất, nhưng NHCSXH đã giải ngân kịp thời hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ bà con nông dân nghèo các xã ven biển Kim Sơn đầu tư làm nghề nuôi trồng thuỷ sản, thì chỉ 4 năm sau, năm 2011 với số vốn vay ưu đãi tăng 5,6 lần đã góp phần đưa diện tích nuôi trồng thuỷ sản lên 1.937ha ở bãi ngang, 800ha tại cồn nổi, đạt tổng sản lượng thuỷ sản tới 10.095 tấn, tăng gấp 5 lần so với năm 2007, riêng con ngao đạt khoảng 6.000 tấn. Ngao ở đây ngon có tiếng, được thị trường rất ưa chuộng.

Những số liệu trên tuy còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản của vùng ven biển Kim Sơn, nhưng điều quan trọng là từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân nơi đây đã thoát nghèo nhanh, ổn định cuộc sống mới. Một trong những hộ nông dân đầu tiên của vùng quê này là ông Phạm Đức Minh, người công giáo ở xã Kim Tân đã sử dụng vốn vay chính sách đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm lúa luân canh, tăng vụ đạt hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình tôm lúa, gia đình ông năm nào cũng thu về hàng trăm triệu đồng.

Năm 2007, ông Minh thuê 3ha đất vốn là đồng muối và ruộng lúa năng suất thấp của địa phương. Ông Minh nhớ lại “Nhà đông con, để thoát cảnh nghèo túng, vợ chồng tôi lại thực hiện theo hướng sản xuất mới của  huyện, xã mở ra nên đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng ngân hàng sử dụng vào việc cải tạo lại khu ao nuôi tôm và mua vật tư, giống tôm, giống lúa chịu được nước mặn. Trao đổi những kinh nghiệm hay từ thực tế làm mô hình tôm lúa, ông Minh cho rằng: Việc nuôi tôm có quy hoạch và theo phương pháp công nghiệp có lợi thế là dễ quản lý, chăm sóc. Thu hoạch xong vụ tôm được thả từ tháng 2 thì đã là tháng 8, ông bắt đầu hạ giống lúa mùa địa phương. Riêng năm 2001, gia đình ông thu về 2,5 tấn tôm sau 6 tháng nuôi, trừ chi phí còn lãi 35 triệu đồng. Nếu tính cả tôm và lúa, ông đã có nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông Minh đã thoát nghèo, trả hết nợ cả 2 lần vay vốn chính sách và đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.

Kế bên ao tôm, ruộng lúa của ông Minh là một vùng nước rộng mênh mông đầy ắp cá bống và ngao của hộ nhà anh Trần Văn Hán. Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi mà anh Hán ở thôn 8 xã Kim Tân đã xây dựng mô hình nuôi thuỷ sản sinh thái và liên tục nhiều năm liền thắng lớn. Người dân vùng  biển Ninh Bình phong cho anh cái tên khá thân thiết “triệu phú ngao sinh thái”. Theo lời anh Hán kể thì trong khi nhiều người phá rừng đào ao nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp thì anh sử dụng tất cả số vốn được vay quay lại trồng rừng, chủ yếu cây dừa nước, nuôi thử cá bống và ngao. Có người chế diễu anh làm chuyện ngược đời. Bỏ ngoài tai những lời dèm pha đó, anh kiên trì gây dựng 6 ha mặt nước để phát triển mô hình ngao, cá - rừng theo tỷ lệ 50% rừng, 50% diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản. Con ngao, con cá bống thả trong rừng, dừa vừa chóng lớn vừa sạch sẽ nên đã bán được giá. Bội thu từ nghề nuôi trồng thuỷ sản sinh thái, anh Hán trả hết nợ ngân hàng và mua sắm thêm lưới, thuyền máy, đắp bờ bao kiên cố, phục vụ tiện ích công việc của người nuôi ngao.

Năm 2012, mục tiêu của huyện Kim Sơn là phấn đấu nuôi trồng thủy sản ven biển trên diện tích 3.000ha với sản lượng đạt 12.800 tấn. Để đạt được những mục tiêu trên, huyện đã đề ra nhiều giải pháp rất thiết thực trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ và tận dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác