CCB làm kinh tế giỏi ở vùng chiến khu xưa

22/12/2012
(VBSP) Gần 10 năm qua, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội khác, Hội CCB tỉnh Tuyên Quang đã làm dịch vụ uỷ thác cho vay, chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách thuật tiện nhanh chóng, tạo điều kiện cho nhiều hội viên lập được thành tích to lớn trên các lĩnh vực SXKD với những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. CCB Nguyễn Đức Tiến ở thôn Phú An, xã Tam Đa, huyện Sơn Dương là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi cấp toàn quốc.
Mô hình trang trại của CCB Nguyễn Đức Tiến mang lại kinh tế cao

Mô hình trang trại của CCB Nguyễn Đức Tiến mang lại kinh tế cao

 Giữa mùa thu này trên vùng chiến khu xưa, nay là huyện Sơn Dương, tôi có dịp gặp anh Tiến. Đó là một con người với dáng vóc nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng nhưng lại có ý chí vượt khó vươn lên rất cao và tính cách mạnh dạn, “dám nghĩ, dám làm” trong việc vay vốn sử dụng vốn chính sách và áp dụng tiến bộ KHKT vào phát triển nghề chăn nuôi lợn theo quy mô công nghiệp.

Theo lời kể của CCB Nguyễn Đức Tiến, khoảng mấy năm giao nhau của 2 thế kỷ XX, XXI, anh rời quân ngũ về quê nhà với bộn bề khó khăn, thiếu thốn, nên chỉ mải miết lo liệu cái ăn, cái mặc cho gia đình đã choán hết thời gian, còn sức lực nào để tính toán đến kế hoạch phát triển kinh tế, xây nhà, tậu xe?.

Năm 2009, anh đã vay 400 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL của NHCSXH qua kênh Hội CCB Việt Nam để xây dựng 1.500m2 chuồng trại, nuôi toàn bộ giống lợn siêu lạc, nâng đàn lợn nái sinh sản lên 40 con, để cho 8 tháng đầu năm 2012 này, trang trại của gia đình anh xuất chuồng 880 con khoảng 90 tấn lợn thịt và hơn 500 con lợn giống thuần chủng, doanh thu lớn chưa từng có, gần 3 tỷ đồng và lãi trên 600 triệu đồng. Cũng từ 3 năm nay, người CCB có dáng vóc nhỏ nhắn Nguyễn Đức Tiến được bà con trong thôn xã và anh em đồng đội đặt cho biệt danh “tỷ phú lợn số 1″ nơi vùng chiến khu xưa.

Trả lời câu hỏi của khách đến tham quan trang trại chăn nuôi lợn của gia đình, anh Tiến ôn tồn cho biết: Cùng các yếu tố, biện pháp thực hiện làm kinh tế trang trại thì người chủ trang trại phải coi trọng hàng đầu công tác đầu từ vốn liếng, kỹ thuật, nghĩa là cần có kế hoạch thật cụ thể về cách dùng tiền vốn, nhất là vốn vay ưu đãi và sử dụng đội ngũ lao động cán bộ thú y chuyên trách vào chăm sóc đàn lợn.

Từ ý chí vượt khó đi lên cùng với sự giúp đỡ hỗ trợ kịp thời của Hội CCB của NHCSXH, Nguyễn Đức Tiến đã trở thành gương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi. Không chỉ vậy, người CCB này còn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái giúp các CCB còn khó khăn giảm nghèo đạt hiệu quả. 5 năm qua, anh Tiến đã trực tiếp giúp cho 20 hội viên CCB ở vùng chiến khu xưa hàng trăm con lợn giống, nhiều thức ăn, thuốc thú y cho chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm, khi nào bán mới hoàn vốn không lấy lãi. Một số hộ trong số đó đã theo gương anh vươn lên làm giàu.

Lê Luân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác