ĐẢM BẢO ĐỦ VỐN CHO CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG HSSV: Không để HSSV nào phải bỏ học vì thiếu vốn (bài 1)
Vượt ra khỏi chính sách cho vay vốn thông thường, Chương trình tín dụng HSSV còn thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với sự nghiệp trồng người, truyền thống vốn được hun đúc từ hàng nghìn năm trước.
Cho đến thời điểm này, Chương trình tín dụng HSSV vẫn là một trong những chương trình có dư nợ lớn của NHCSXH. Điều đó chứng tỏ, ngân hàng luôn dành ưu tiên đặc biệt cho những HSSV có hoàn cảnh khó khăn, với phương châm: QUYẾT KHÔNG ĐỂ AI PHẢI BỎ HỌC VÌ GẶP KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH.
Kết quả khả quan
“Để tạo lập nguồn vốn cho vay Chương trình ổn định trước mắt, NHCSXH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành bố trí đủ nguồn vốn một cách ổn định, kịp thời, bố trí đủ 4.000 tỷ đồng từ nguồn vay Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 10 (PRSC 10) cho NHCSXH; xử lý dứt điểm việc chuyển 12.000 tỷ đồng thành nguồn vốn cho chương trình. Tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp cận với các nguồn vốn ODA, vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để tạo nguồn vốn ổn định thực hiện chương trình. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 2 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quy định hiện nay; nghiên cứu điều chỉnh tăng mức cho vay phù hợp với mức tăng của giá cả thị trường…”. (Nguồn: Báo cáo) |
Theo báo cáo, doanh số cho vay của Chương trình tín dụng HSSV đến ngày 30/6/2012 đạt 39.600 tỷ đồng, trong đó, năm học 2007 - 2008 là 5.030 tỷ đồng, năm học 2008 - 2009 là 8.500 tỷ đồng, năm học 2009 - 2010 là 10.600 tỷ đồng, năm học 2010 - 2011 là 7.700 tỷ đồng và năm học 2011 - 2012 là 7.770 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, doanh số cho vay năm sau cao hơn năm trước, có nghĩa là ngày càng có nhiều người tìm đến nguồn vốn tín dụng này trên hành trình lập thân, lập nghiệp.
Tính đến 30/6/2012, còn gần 2,3 triệu HSSV đang vay vốn của NHCSXH, trong đó, đối tượng hộ nghèo là 535.000 hộ (chiếm 28,46%), với tổng dư nợ 10.177 tỷ đồng; đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo là 664.000 hộ (chiếm 35,3%), với dư nợ 13.137 tỷ đồng; đối tượng hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh là 677.000 hộ (chiếm 35,99%), dư nợ 11.616 tỷ đồng; đối tượng là HSSV mồ côi, lao động nông thôn học nghề, bộ đội xuất ngũ học nghề là 4.000 hộ (chiếm 0,25%), dư nợ 56 tỷ đồng.
Đánh giá của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân cho thấy, Chương trình tín dụng HSSV đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng được xu hướng xã hội hóa giáo dục và nguyện vọng của nhân dân. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đều khẳng định, nếu không có chính sách này của Chính phủ thì con em họ không thể đến trường. Đây cũng là chương trình có tính xã hội hóa cao, từ lúc tạo lập, quản lý, phân bổ nguồn vốn đến việc cho vay, kiểm tra giám sát, sử dụng vốn vay, trả nợ khi đến hạn.
Đang là thời điểm HSSV tựu trường với biết bao hoài bão và cả những lo toan trăn trở. Hiểu được nỗi lo của các gia đình nghèo, cán bộ tín dụng của NHCSXH luôn tạo mọi điều kiện để các đối tượng được tiếp cận vốn một cách nhanh nhất. Mạng lưới 203.252 Tổ TK&VV phủ kín trên các thôn, ấp, bản, làng trong toàn quốc với 10.848 Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH là những nhân tố quan trọng có tính quyết định đến sự thành công của chương trình tín dụng HSSV cũng như nhiều chương trình khác.
Đặc biệt, để hạn chế những tiêu cực phát sinh, đảm bảo đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tổ chức
kiểm tra theo nhiều kênh và nhiều hình thức khác nhau, với 7 đợt kiểm tra liên ngành cấp bộ tại 64 quận, huyện của 34 tỉnh, 99 xã, phường với 1.056 hộ vay của 194 Tổ TK&VV, 72 cơ sở đào tạo với 1.129 sinh viên. Kể từ khi NHCSXH chuyển phương thức cho vay trực tiếp HSSV sang cho vay thông qua hộ gia đình, tổ chức tốt các Điểm giao dịch xã để cho vay, thu nợ, thu lãi cùng với chính sách hộ vay trả nợ trước hạn được giảm lãi nên công tác thu hồi nợ đến hạn, tạo nguồn vốn cho quay vòng đạt kết quả tốt. Tính đến ngày 30/6/2012, doanh số thu nợ đạt 4.910 tỷ đồng, nợ quá hạn là 227 tỷ đồng, chiếm 0,64% tổng dư nợ. Hơn ai hết, người dân hiểu, nếu trả lãi, gốc đúng hạn sẽ có thêm nhiều HSSV như con em mình được tiếp tục ước mơ đến trường.
Sự đồng thuận cao
MỘT SỐ CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH 5 NĂM TỚI
- Tập trung huy động mọi nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của HSSV hàng năm. - Giải ngân kịp thời cho đối tượng vay vốn theo quy định. - Thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn, phấn đấu nợ quá hạn tỷ lệ tối đa không quá 3% trên tổng dư nợ. Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm như hiện nay thì doanh số cho vay là 7.500 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 5.500 tỷ đồng/năm và đến năm 2017, tổng doanh số cho vay sẽ là 37.500 tỷ đồng, doanh số thu nợ 27.500 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2017, tổng dư nợ chương trình sẽ đạt 45.000 tỷ đồng. Khi đó, nếu không mở rộng thêm đối tượng vay vốn, không tăng mức cho vay thì doanh số thu nợ sẽ đủ để tạo lập vốn cho vay quay vòng. (Nguồn: Báo cáo) |
Không có chương trình tín dụng nào tạo được sự đồng thuận cao như Chương trình tín dụng HSSV, không chỉ từ phía NHCSXH mà các địa phương, các cơ sở đào tạo cũng tích cực tham gia để đồng vốn đến đúng đối tượng.
Đơn cử như tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, để triển khai tốt Chương trình tín dụng HSSV, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền, hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay và xác nhận vay vốn tín dụng cho HSSV thông qua tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân HSSV” đầu khóa, đầu năm học; phổ biến bằng văn bản gửi đến các khoa, lớp; dán trên bản tin nhà trường. Phòng Chính trị và Công tác sinh viên là đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp với Đoàn TN, Hội sinh viên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể HSSV hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, đối tượng của việc cho vay tín dụng đào tạo để từ đó các em ý thức trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả; xây dựng quy trình hướng dẫn thủ tục xin xác nhận cho vay đối với HSSV; trực tiếp hướng dẫn và cung cấp các biểu mẫu, thủ tục xin giấy xác nhận vay vốn. Vì vậy, sau 5 năm triển khai, đã có 3.353 sinh viên của trường được vay vốn, với tổng dư nợ khoảng 26,23 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Loan, cán bộ Phòng Chính trị và Công tác sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, việc HSSV được tiếp cận nguồn vốn tín dụng góp phần thiết thực trong việc nâng cao chất lượng học tập, sinh hoạt và giúp HSSV có đủ điều kiện để tiếp tục hoàn thành chương trình học tập. Chương trình đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập của trường phát triển nhanh chóng, so với cùng kỳ 5 năm trước thì tỷ lệ HSSV đạt khá, giỏi tăng 16%, không có HSSV nào phải bỏ học vì lý do tài chính.
Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như cơ cấu nguồn vốn tín dụng chưa có tính bền vững, vẫn còn nhiều bị động, chủ yếu là vốn tạm vay, tạm ứng từ NHNN, Kho bạc Nhà nước, vốn huy động thông qua kênh phát hành trái phiếu; UBND cấp xã ở một số địa phương chưa thực hiện việc khảo sát điều tra bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn đột xuất về tài chính; một số trường hợp HSSV ra trường không có việc làm, không có thu nhập trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo nên việc thu hồi nợ đến hạn gặp khó khăn… nhưng có thể khẳng định Chương trình tín dụng HSSV đã gặt hái được nhiều thành công. Vượt ra khỏi một chương trình tín dụng thông thường, nó còn là một chính sách xã hội giàu tính nhân văn, tiếp nối truyền thống coi trọng sự học của dân tộc ta. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khánh Nguyên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chủ động nguồn vốn cho HSSV vay
- » Người Raglay không muốn tái nghèo
- » Đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang được hỗ trợ vốn vay
- » Chắp cánh cho những ước mơ lập thân, lập nghiệp
- » Đấu thầu 2.500 tỷ đồng trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh
- » Gian truân con đường đại học của cô tân sinh viên nghèo
- » Vai trò chủ thể trong công tác giảm nghèo
- » Phú Yên thành lập Quỹ giải quyết việc làm
- » Kim Sơn phát triển kinh tế biển
- » CCB làm kinh tế giỏi ở vùng chiến khu xưa