ĐẢM BẢO ĐỦ VỐN CHO CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG HSSV: Khi địa phương là “cầu nối” (bài 2)

22/12/2012
(VBSP) Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, nhiều địa phương đã tích cực triển khai chương trình này. Đặc biệt, từ ngày 03/6/2011, Thủ tướng có Quyết định 853/QĐ-TTg về điều chỉnh mức cho vay và lãi suất đối với chương trình HSSV tăng từ 900.000 đồng/tháng/HSSV lên 1 triệu đồng/tháng/HSSV, nhiều gia đình có thêm điều kiện, cơ hội để tiếp sức cho con em đến trường...
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức trả nợ, trả lãi khá tốt. Nợ quá hạn của Chương trình chiếm tỷ lệ thấp

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức trả nợ, trả lãi khá tốt. Nợ quá hạn của Chương trình chiếm tỷ lệ thấp

Đảm bảo đủ vốn…

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng đưa đến sự thành công của Chương trình tín dụng HSSV là sự vào cuộc tích cực của cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương. Lực lượng này đóng vai trò rất lớn trong công tác tuyên truyền chính sách của Nhà nước về vốn vay ưu đãi dành cho HSSV; tổ chức bình xét các đối tượng được vay vốn một cách công khai, dân chủ; tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giấy tờ để các đối tượng đủ điều kiện được vay vốn. Cũng chính họ đã vận động các gia đình trả nợ, trả lãi đúng và trước thời hạn, để ngày càng có nhiều HSSV được hưởng lợi từ chính sách này. Ở một ý nghĩa sâu xa hơn, điều đó còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng sự học của dân tộc, vốn được hun đúc tự ngàn đời.

Nâng cao nhận thức cho người vay

Pác Nặm là huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 56,15% (2008). Những năm qua, NHCSXH nơi đây đã triển khai nhiều chương trình cho vay nhằm giúp bà con XĐGN, có điều kiện cho con em cắp sách tới trường… Nhờ đó, Pác Nặm đang dần đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 45,43% (theo chuẩn mới); bình quân lương thực năm 2011 đạt 582,58kg/người, tăng 64,78kg so với năm 2008. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác cho vay HSSV ở huyện còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp, địa hình phức tạp, bất đồng ngôn ngữ…

Theo thông tin từ NHCSXH huyện Pác Nặm, tính đến hết tháng 8/2012, Chương trình tín dụng HSSV có tổng dư nợ 4.484 triệu đồng, nợ quá hạn chỉ có 6,2 triệu đồng. Trong đó, số tiền được giải ngân tính từ đầu năm đến nay là 149 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Mạnh Hùng - Phó giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Pác Nặm cho biết: “Không chỉ là huyện nghèo nhất tỉnh, Pác Nặm còn có địa bàn phức tạp, khó khăn, thường xuyên xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét. Đồng thời, trình độ dân trí còn thấp do phần lớn dân số là đồng bào DTTS, nhiều người không biết tiếng phổ thông nên dẫn đến bất đồng về ngôn ngữ. Cán bộ ngân hàng không thể đủ người thường trực ở các địa phương để tuyên truyền chính sách của Nhà nước về các chương trình vay vốn. Vì vậy, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, Tổ TK&VV ở các thôn, bản là rất quan trọng. Họ vừa là cầu nối để chúng tôi tiếp cận, tuyên truyền, vận động người dân; đồng thời, trong các cuộc họp, hội nghị cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên lồng ghép các thông tin về vốn vay, hướng dẫn người dân các thủ tục cần thiết để được vay vốn. Chính vì vậy, đồng vốn đã đến đúng đối tượng, người dân sử dụng vốn đúng mục đích”.

Bà Nguyễn Thị Lô - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương cho biết: “Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi còn kết hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh đưa thông tin đến cho người dân, để người dân hiểu rõ và nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình khi được vay vốn, trong đó, chương trình tín dụng HSSV luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi xét cho cùng, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Trong quá trình thực hiện Chương trình tín dụng này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc một cách tích cực để không còn ai phải nghỉ học vì áp lực về tài chính. Đến nay, tổng dư nợ của ngân hàng đạt 908 tỷ đồng, nợ quá hạn 229 triệu đồng”.

Theo ông Đặng Chiến Công - Giám đốc NHCSXH huyện Mỹ Hào (Hưng Yên): “Thời gian qua, NHCSXH huyện đã kết hợp cùng các đoàn thể từ huyện tới xã làm tốt công tác tuyên truyền tới các đối tượng vay vốn là HSSV. Thông qua các buổi giải ngân, họp giao ban giữa các đoàn thể, chúng tôi lồng ghép luôn công tác tuyên truyền tới người dân. Nhờ đó, mấy năm qua, số hộ nợ quá hạn hay gia hạn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tính đến cuối tháng 8/2012, toàn huyện có 1.883 hộ với 2.309 HSSV vay vốn với tổng dư nợ hơn 39 tỷ đồng”.

Ông Lê Văn Hoạch - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Đến nay, tổng dư nợ của Chương trình tín dụng HSSV trên địa bàn tỉnh là 458 tỷ đồng, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền tới 160 xã, phường trong tỉnh nên ai cũng hiểu rõ về chủ trương này. Người dân cũng bảy tỏ sự vui mừng khi được Nhà nước chia sẻ gánh nặng lo cho con cái ăn học”.

Tiếng nói từ cơ sở

Ông Hoàng Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Chính Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) cho biết: “Công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành chủ trương của Nhà nước là việc làm thường xuyên của địa phương. Tuy nhiên, hiện xã vẫn còn có 8 hộ nợ NHCSXH 65 triệu đồng. Lý do là con em họ đã ra trường nhưng hiện chưa có công ăn việc làm ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường vận động để các hộ trả nợ đúng hạn vì những đồng vốn đó có thể khiến một ai đó thay đổi số phận”.

Bà Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch Hội PN xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân chia sẻ: “Bà con may mắn được Chính phủ hỗ trợ để con em được ăn học đầy đủ, mong sao thoát nghèo. Chúng tôi thường vận động người dân khi vay vốn phải nghĩ đến trách nhiệm trả cả lãi lẫn gốc cho ngân hàng. Vì như thế, đồng vốn mới quay vòng để hàng triệu HSSV khác có điều kiện đến trường”.

Tại xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, nguồn vốn ưu đãi tới các đối tượng được vay vốn thông qua 3 kênh chính là Hội ND, Hội PN và Hội CCB. Trong đó, Hội PN là kênh thu hút được nhiều hộ gia đình có con là HSSV tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Để làm được điều này, Hội PN đã tuyên truyền sâu rộng đến từng thành viên trong Tổ TK&VV, do đó từ công tác giải ngân đến trả lãi, gốc được các đối tượng vay thực hiện tốt.

Hội PN xã Nhân Hòa hiện có 10 Tổ TK&VV hoạt động ở 4 thôn. Ngay từ khi có chính sách, hội đã tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi sử dụng đồng vốn ưu đãi. Trước thời gian đóng lãi, hội sử dụng loa truyền thanh của xã “nhắc” các hộ vay vốn đóng lãi hàng tháng để giảm bớt số tiền khi đóng cả gốc cả lãi về sau.

Chị Trịnh Thị Mỹ Ngân - Chủ tịch Hội PN xã Nhân Hòa cho biết: “Toàn xã hiện có 84 hộ gia đình vay vốn với tổng dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng. Do hội làm tốt công tác tuyên truyền nên các đối tượng trả lãi, nợ gốc đúng hạn. Các đối tượng nhận thức được cái lợi mà họ được hưởng cũng như trách nhiệm của mình”.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà mấy năm nay ở xã Nhân Hòa, số HSSV đi học đông hơn. Đặc biệt, không còn tình trạng các em khi đậu đại học, cao đẳng do gia đình khó khăn phải nghỉ học. Có nguồn vốn giúp HSSV yên tâm học hành, sau khi ra trường nhiều em đã có việc làm ổn định và tự trả được số tiền trước kia gia đình vay cho ăn học.

Duy Phong - Khánh Đức

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác