ĐẢM BẢO ĐỦ VỐN CHO CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG HSSV: Tìm nguồn vốn ổn định (bài cuối)
Phát sinh từ thực tế
Tính đến 31/7/2012, doanh số cho vay Chương trình tín dụng HSSV của chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội đạt 1.317 tỷ đồng, bình quân mỗi HSSV được vay 14 triệu đồng. Dư nợ của chương trình đến hết tháng 7/2012 là 1.039 tỷ đồng, gồm 61.274 hộ với 72.031 HSSV. Nợ quá hạn 6,2 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trước khi thực hiện Quyết định 157 là gần 3 tỷ đồng. Trong 5 năm, ngân hàng đã thu nợ được 302,7 tỷ đồng.
Để tìm giải pháp lâu dài cho nguồn vốn, Giám đốc chi nhánh Bùi Quang Vinh, chia sẻ: “Phần lớn các gia đình đều có ý thức trả nợ, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Thứ nhất, vấn đề quan trọng là nguồn vốn. Hiện nay, nguồn vốn huy động rất ngắn hạn, trong khi thời gian cho vay kéo dài cả chục năm. Việc này khiến ngân hàng bị động, có những lúc chậm cho vay vì chưa có nguồn. Thứ hai, ở vùng nông thôn có những gia đình không phải hộ nghèo, cận nghèo nhưng họ lại có hai con đi học trở lên. Việc lo cho con cái ăn học là cả một gánh nặng về tài chính đối với họ, vì thế nhiều hộ phải vay nóng với lãi suất cao ở bên ngoài. Do đó, Chính phủ nên nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng này vào diện được vay vốn. Thứ ba, một số cơ sở đào tạo, trường học hiện nay không xác nhận theo mẫu quy định mà họ tự thảo ra mẫu mới, khiến ngân hàng không thể nhập số liệu. Hay một số địa phương gây khó dễ cho HSSV trong việc xác nhận gia đình khó khăn khiến cả ngân hàng và HSSV đều mệt mỏi”.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý với đề xuất của Chính phủ cấp 2.500 tỷ đồng thuộc Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo để bổ sung vốn vay cho Chương trình tín dụng HSSV. Như vậy, trước mắt NHCSXH đã tạm đủ nguồn vốn cho HSSV vay học kỳ I của năm học 2012 - 2013″. (Nguồn: Văn bản số 236/UBTVQH13) |
Trong dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm nêu rõ: Nguồn vốn để thực hiện Chương trình thông qua phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn. Hiện nay, trong tổng số 35.000 tỷ đồng dư nợ thì có 9.200 tỷ đồng là tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước, 10.130 tỷ đồng vay từ NHNN. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chưa có tính bền vững, vẫn rất bị động, chủ yếu là vốn tạm ứng, vốn huy động thông qua kênh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với thời gian phát hành chủ yếu là 2 - 3 năm, trong khi thời hạn vay vốn của chương trình chủ yếu là trung và dài hạn (lên tới 10 năm). Vì thế, NHCSXH đã không thể huy động được vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của HSSV.
NHCSXH cho rằng, chính quyền ở một số địa phương chưa thực hiện việc khảo sát, điều tra bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn đột xuất về tài chính. Một số địa phương xác nhận quá chặt chẽ, có nơi lại lỏng lẻo. Một số gia đình có con em ra trường nhưng không có việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn cho nên việc thu hồi nợ đến hạn gặp nhiều khó khăn. Việc thông tin tuyên truyền ở một số địa phương thực sự làm chưa tốt, chưa đi vào chiều sâu nên nguồn vốn sử dụng chưa đúng mục đích…
Giải pháp nào?
Để tạo nguồn vốn vay cho Chương trình, NHCSXH kiến nghị Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn vay Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC 10) cho ngân hàng; xử lý dứt điểm việc chuyển 12.000 tỷ đồng thành nguồn vốn cho Chương trình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 14/TTg-KTTH ngày 25/2/2011, đồng thời tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp cận với các nguồn vốn ODA, vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để tạo nguồn vốn ổn định thực hiện chương trình.
NHCSXH cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ hai HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quy định hiện nay, với mức vay bằng mức cho vay theo quy định chung với tín dụng HSSV. Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh tăng mức cho vay phù hợp với mức tăng của giá cả thị trường trong từng thời kỳ.
Phản ánh ở một số địa phương cho thấy, mức vay hiện tại chỉ đáp ứng một phần tổng chi phí của HSSV. Để đủ tiền cho con ăn học, phần lớn các gia đình vẫn phải vay mượn hoặc huy động thêm nguồn vốn ở bên ngoài.
NHCSXH cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo.
Xã hội hóa nguồn vốn
Theo báo cáo, tổng nguồn vốn quay vòng cho một chu kỳ học 5 năm khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm sau đó, do số lượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn và các mức cho vay tăng lên nên tổng mức vốn của Chương trình được xác định khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước dự kiến là 16.000 tỷ đồng, nguồn vốn cần huy động khoảng 34.000 tỷ đồng. Trong khi hiện nay, nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh mới chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng. Như vậy, để đảm bảo duy trì nguồn vốn cho vay quay vòng, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ phải huy động thêm 18.000 tỷ đồng.
Để giải quyết được khó khăn về nguồn vốn cần phải có sự chung tay, đồng thuận của cả xã hội. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và cá nhân, các nhà tài trợ tham gia hỗ trợ, đóng góp vào nguồn vốn cho quay vòng”.
Tính đến thời điểm này, đã có 21 đơn vị tham gia hình thức này như Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương…
Tại cuộc họp với các Bộ, ngành chuẩn bị tổ chức tổng kết 5 năm Chương trình tín dụng HSSV, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp nguồn vốn để thực hiện tốt chương trình trong thời gian tới.
Duy Phong
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » ĐẢM BẢO ĐỦ VỐN CHO CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG HSSV: Khi địa phương là "cầu nối" (bài 2)
- » ĐẢM BẢO ĐỦ VỐN CHO CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG HSSV: Không để HSSV nào phải bỏ học vì thiếu vốn (bài 1)
- » Chủ động nguồn vốn cho HSSV vay
- » Người Raglay không muốn tái nghèo
- » Đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang được hỗ trợ vốn vay
- » Chắp cánh cho những ước mơ lập thân, lập nghiệp
- » Đấu thầu 2.500 tỷ đồng trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh
- » Gian truân con đường đại học của cô tân sinh viên nghèo
- » Vai trò chủ thể trong công tác giảm nghèo
- » Phú Yên thành lập Quỹ giải quyết việc làm