Giỏi việc tổ, đảm việc nhà

22/12/2012
(VBSP) ổ TK&VV đã từ lâu được coi là cánh tay nối dài của NHCSXH. Nhiều Tổ trưởng ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát và hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Tổ trưởng Tổ TK&VV Nguyễn Thị Ninh ở xóm Sèo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) là một người như thế.
Bà Nguyễn Thị Ninh - Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Sèo (Cao Sơn) đang hướng dẫn tổ viên gửi tiền tiết kiệm

Bà Nguyễn Thị Ninh - Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Sèo (Cao Sơn) đang hướng dẫn tổ viên gửi tiền tiết kiệm

Theo Chủ tịch Hội PN xã Cao Sơn Hà Thị Diên, chị Nguyễn Thị Ninh năm nay 52 tuổi, là người ham hoạt động trong công tác xã hội và gia đình, nên dù ở miền núi nhiều khó khăn, vất vả trông chị vẫn trẻ trung, hoạt bát. Năm 2011, tổng kết công tác tín dụng chính sách chị là một trong những Tổ trưởng Tổ TK&VV được NHCSXH huyện Đà Bắc biểu dương. Tổ của chị có 43 thành viên, năm 2011 cho vay 7 chương trình, với tổng dư nợ 847,8 triệu đồng. Trong đó, dư nợ lớn nhất là cho vay hộ nghèo 325 triệu đồng (25 hộ); tiếp đến cho vay hộ gia đình SXKDVKK 199 triệu đồng (11 hộ); cho vay HSSV 171 triệu đồng (18 hộ)…

Cao Sơn là một trong 19 xã nghèo thuộc huyện nghèo Đà Bắc. Do địa hình vùng núi cao, đất dốc diện tích cấy lúa không đáng kể, chủ yếu bà con các dân tộc trồng ngô, khoai, chăn nuôi trâu, bò lợn gà, sản xuất thuần nông. Để kiểm soát được vốn vay, sau khi giải ngân được 30 ngày, chị Ninh cùng Hội CCB nhận uỷ thác, xuống tận từng hộ kiểm tra sử dụng vốn của các hộ vay có đúng mục đích không? Sau đó, 3 tháng, 6 tháng kiểm tra lại, “rất vui khi được tận mắt nhìn thấy đồng vốn của Chín phủ sinh sôi” - chị Ninh nói. Tối 20 hàng tháng Tổ chị sinh hoạt định kỳ, để ngày 25 giao dịch ở xã. Sinh hoạt Tổ ngoài phần bàn chuyện làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; Tổ nhắc nhở, động viên người vay nộp lãi, gửi tiền tiết kiệm. Cuối buổi sinh hoạt có tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, mọi người trong Tổ hát cùng nhau, làm cho không khí càng thêm đoàn kết, đầm ấm. Nhờ vậy, 100% tổ viên xóm Sèo của chị Ninh sử dụng vốn đúng mục đích, trong đó 50% số hộ vay vốn đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2011, toàn Tổ gửi tiết kiệm được 17 triệu đồng. Hộ nghèo Xa Thị Khuyên, dân tộc Mường, năm 2010 vay 10 triệu đồng mua 1 bò cái. Hai năm qua, bò đẻ được 2 con bê, bán đủ trả nợ ngân hàng. Ngoài ra, chị Khuyên còn làm nương rẫy trồng ngô, khoai đảm bảo dư thừa lương thực cho gia đình. Chị Xa Thị Bảy, hộ vay vốn của chị Ninh, cho biết: 2 - 3 năm nay cùng với cây ngô, diện tích cây dong riềng được mở rộng. Đây là 2 loại cây mũi nhọn xóa nghèo và cây hàng hóa của bà con xã Cao Sơn. Năm 2011, toàn xã trồng được gần 300ha dong riềng, chủ yếu tâp trung ở xóm Sèo và Nà Chiếu. Năng suất đạt 35 - 40 tấn/ha, giá bán mấy năm nay tương đối ổn định, ở mức 1.400 đồng/kg. Trừ chi phí, cây dong riềng cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Dong riềng thu hoạch vào dịp cuối năm, dường như toàn bộ sản lượng củ bán về mạn Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) để chế biến thành miến dong.

Để làm tốt vai trò Tổ trưởng Tổ TK&VV, cầu nối giữa ngân hàng và người vay vốn, chị Ninh tham gia đầy đủ 1 năm 2 đợt tập huấn của NHCSXH tỉnh; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của NHCSXH huyện Đà Bắc; các đợt tập huấn của trung tâm khuyến nông - khuyến lâm huyện về trồng trọt, chăn nuôi. Theo chị, muốn các tổ viên tin tưởng thì Tổ trưởng phải hiểu, phải biết và phải làm hơn họ. Có vậy, Tổ trưởng nói tổ viên mới nghe, mới đồng tình.

Không chỉ giỏi việc Tổ, chị Nguyễn Thị Ninh còn là người phụ nữ đảm việc nhà. Tận dụng khu vườn đồi rộng 6.000m2, chị bàn cùng chồng con vay 30 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ gia đình SXKDVKK mua lưới thép về rào chung quanh vườn, thường xuyên nuôi trên dưới 100 con lợn rừng, lợn Mường; hàng trăm con gà thả vườn. Hai năm qua, sau khi trừ chi phí chị thu về trên 50 triệu đồng/năm.

Xin được nói thêm, chị Ninh có 3 người con. Con trai đầu tốt nghiệp trường Cao đẳng Thú y, tình nguyện ở nhà cùng bố mẹ phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ thú y; cô gái thứ 2 tốt nghiệp Đại học công nghiệp Thái Nguyên, ra trường đã có việc làm; cô gái thứ 3 là giáo viên dạy tin học tại thị trấn Đà Bắc. Nói về Tổ trưởng Tổ TK&VV của mình, nhiều chị em phụ nữ ở xóm Sèo nhận xét: “Chị Ninh, vẹn cả đôi đường! Vừa giỏi việc Tổ, vừa đảm việc nhà”!

Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác