Tọa đàm tổng kết dự án: CHÍNH THỨC HÓA CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH VI MÔ

22/12/2012
(VBSP) Cuối tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Tọa đàm tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) JFPR VIE 9140 "Chính thức hóa các tổ chức tài chính vi mô" và giới thiệu dự án HTKT chính sách và tư vấn "Hỗ trợ cho chương trình phát triển tài chính vi mô".

Tham dự buổi toạ đàm có ông Nguyễn Vĩnh Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ông Hirofumi Miyake - Tham tán, Trưởng ban kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Eiichi Sasaki - Chuyên gia tài chính cấp cao ADB cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, các bộ ngành hữu quan, tổ chức quốc tế và các tổ chức tài chính vi mô (TCVM).

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Vĩnh Hưng khẳng định: Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam cùng với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đã đặc biệt quan tâm vấn đề đảm bảo an sinh xã hội mà trong đó công cuộc xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa luôn được chú trọng và ưu tiên. Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua việc thực hiện đồng loạt các chương trình trọng điểm, duy trì mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 28,9% năm 2002 xuống còn 15,5% năm 2006, 14% năm 2011, dự kiến năm 2012 sẽ giảm còn 12%. Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong những năm gần đây, TCVM được xem là công cụ hữu hiệu, góp phần không nhỏ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Để đạt được những kết quả bước đầu trong việc phát triển khu vực TCVM chính thức và bền vững ở Việt Nam, góp phần vào sự phát triển khu vực tài chính của đất nước, Chính phủ Việt Nam và NHNN luôn ghi nhận và đánh giá cao sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản và các hỗ trợ kỹ thuật của ADB trong việc tạo nền tảng pháp lý và giúp cho hệ thống TCVM phát triển, hội nhập vào khu vực tài chính chính thức.

Tại buổi tọa đàm, ông Aris Alip, Trưởng nhóm tư vấn Dự án đã trình bày tổng quan và báo cáo tóm tắt các kết quả đạt được của Dự án “Chính thức hóa các tổ chức tài chính vi mô”. Dự án này có trị giá 1.650.000USD, trong đó ADB tài trợ 1.500.000USD trên cơ sở viện trợ không hoàn lại từ nguồn Quỹ hỗ trợ cho giảm nghèo Nhật Bản (JFPR) và vốn đối ứng trong nước trị giá 150.000USD. Mục tiêu tổng quan của dự án là hỗ trợ phát triển ngành tài chính vi mô hoạt động chính thức tại Việt Nam nhằm đem lại các dịch vụ TCVM bền vững, đáng tin cậy, phù hợp và chất lượng cho người nghèo. Dự án bao gồm 4 hợp phần chính: Báo cáo đánh giá thể chế; Các hoạt động đào tạo TCVM; Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức TCVM; Quản lý dự án, theo dõi và đánh giá tác động.

Sau 36 tháng triển khai thực hiện (từ tháng 11/2009 đến tháng 10/2012), Dự án đã đạt được những kết quả đáng khả quan. Cụ thể: Trong cấu phần “Báo cáo đánh giá thể chế”, Dự án đã thu thập và cập nhật số liệu khảo sát hoạt động của gần 30 tổ chức TCVM, đồng thời tiến hành phân tích dữ liệu nhằm đánh giá hiện trạng và xu hướng phát triển ngành TCVM tại Việt Nam. Trong cấu phần đào tạo, Dự án đã tổ chức được 12 khóa học đào tạo chuyên sâu kỹ thuật cho các TCVM, 03 buổi tọa đàm nâng cao nhận thức về các quy định mới liên quan tới TCVM của NHNN; Phát triển tài chính vi mô bền vững; Tổ chức các lớp Tập huấn nâng cao kỹ năng thanh tra giám sát hoạt động TCVM cho các cán bộ Thanh tra giám sát của NHNN. Ngoài ra, Dự án cũng đã xuất bản ấn phẩm “Cẩm nang hướng dẫn đào tạo TCVM” bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đối với cấu phần “Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức TCVM”, Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc giúp các tổ chức TCVM bán chính thức chuyển đổi và nâng cấp thành tổ chức TCVM chính thức do NHNN cấp Giấy phép. Đến nay, đã có 02 tổ chức TCVM được NHNN cấp phép hoạt động là TYM và M7; 2 tổ chức là Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển Kinh tế Tiền Giang và Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ nghèo Thanh Hóa đang hoàn thiện hồ sơ trình NHNN xin phép thành lập thông qua Quỹ bổ sung SMF giảm nghèo Nhật Bản…

Phần tiếp theo của buổi Tọa đàm, ông Eiichi Sasaki - Chuyên gia tài chính cấp cao ADB đã giới thiệu dự án HTKT chính sách và tư vấn “Hỗ trợ cho chương trình phát triển TCVM” (PATA) trị giá 500.000 USD, được ký kết vào ngày 12/9/2012. Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các quy định về TCVM, trong đó có việc xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng liên quan đến TCVM; Nghiên cứu và đưa ra các đề xuất về các chính sách ưu đãi trong quản lý và chính sách thuế đối với các tổ chức tín dụng có hoạt động TCVM. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ việc thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin tín dụng về TCVM; Phát triển dịch vụ bảo hiểm vi mô nhằm đáp ứng các nhu cầu phòng chống rủi ro cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm cũng đã nghe phần trình bày về Nghiên cứu đánh giá tác động của Chiến lược phát triển ngành TCVM của ADB; đồng thời thảo luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi của các tổ chức TCVM như tổ chức TCVM Tình thương (TYM), tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn M7, Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ nghèo Thanh Hóa, Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển Kinh tế Tiền Giang.

Sỹ Nam - Minh Tùng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác