Người có đôi tay tài hoa

22/12/2012
(VBSP) 29 tuổi - Quách Đức Mạnh ở thôn Cao Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) chưa một lần đứng được vì đôi chân bị liệt từ nhỏ. Mạnh đã kiên trì vượt qua bệnh tật, rèn luyện đôi tay, đục đẽo từng lát gỗ thành những sản phẩm tinh xảo nên đã trở thành ông chủ, tự mở xưởng sản xuất, giải quyết việc làm cho gần chục thanh niên khỏe mạnh.
Anh Quách Đức Mạnh làm việc tại xưởng gỗ của gia đình

Anh Quách Đức Mạnh làm việc tại xưởng gỗ của gia đình

Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình nghèo, Mạnh lớn lên với đôi chân bị liệt. Đến tuổi chạy nhảy, Mạnh bò quanh nhà, ra sân rồi ra bờ ruộng chơi không thua chúng bạn. Nhà nghèo, nên Mạnh không được đi học đúng tuổi, đến năm 10 tuổi, cô em gái đi học lớp 1, Mạnh bò theo em đến trường và được nhận học, nhưng đến năm lớp 3 thì đành nghỉ học vì “cảnh nhà nghèo, phía sau còn 3 em ăn học, vả lại nhiều tuổi rồi cứ bò đi học với các em cũng ngại” - Mạnh cho biết.

Ở nhà, Mạnh đã học nghề khâu nón, rồi năm 2004, em quyết định học nghề mộc vì nghề này có thu nhập cao hơn. Sau hơn hai năm vác gạo đi học nghề, Mạnh đã được nhận làm công và có thu nhập. Một thời gian sau, em đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng tại nhà, nhận hàng đặt từ các ông chủ lớn. Người luôn đồng hành cùng Mạnh là bố và cậu em trai kém 6 tuổi. Nhận thấy sự đam mê và khả năng của con, ông Quách Đức Cảnh đã không quản khó khăn, đầu tư cho hai con đi học nghề và phát triển nghề. Mặc dù, có bố và em cùng làm nhưng những việc chủ chốt Mạnh lại là người quyết định. Đến đầu năm 2012, Mạnh thuê nhà xưởng ở mặt đường lớn để mở rộng quy mô xưởng sản xuất. Sản phẩm đồ gỗ kỹ nghệ là những chiếc tủ thờ, kiệu, cửa võng, bệ tượng, ngai… với những họa tiết được đục khắc tinh xảo. Cơ sở sản xuất của Mạnh đã và đang giải quyết việc làm cho cả chục thanh niên khỏe mạnh trong làng với thu nhập ổn định khoảng 150 nghìn đồng/ngày công.

Nói về những dự định trong tương lai, Mạnh cho biết: “Em rất muốn tiếp tục mở rộng quy mô xưởng sản xuất, nhập gỗ về làm ra thành phẩm để bày bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay em chưa đủ tiền đầu tư. Em biết đến chương trình cho người khuyết tật vay vốn ưu đãi nên đã đề nghị Hội người khuyết tật huyện Thanh Oai và rất mong được vay để phát triển nghề nghiệp, tạo việc làm cho nhiều người địa phương hơn”.

Ông Vũ Duy Thức - Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thanh Oai cho biết: “Chương trình vay vốn ưu đãi dành cho người khuyết tật của huyện năm nay đã giải quyết cho 20 hộ vay với mức 15 triệu đồng/hộ để phát triển chăn nuôi và kinh doanh nhỏ. Hiện tại, trong số hơn 300 hội viên có tới hơn 100 người khuyết tật có nhu cầu vay vốn tạo việc làm, xóa nghèo; có khoảng chục hộ có nhu cầu vay để mở rộng SXKD. Trường hợp của Quách Đức Mạnh sẽ được đưa vào chương trình vay vốn ưu đãi năm 2013. Tuy nhiên, được vay ở mức nào còn phụ thuộc vào sự phân bổ của thành phố và NHCSXH”.

Hy vọng, với sự quan tâm, tạo điều kiện của chương trình vay vốn ưu đãi, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương, Quách Đức Mạnh sẽ sớm thực hiện được mong muốn của mình.

Lê Thảo Nguyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác