Xóa đói, giảm nghèo ở Quế Phong

22/12/2012
(VBSP) Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay người dân nhiều xã trong huyện Quế Phong (Nghệ An) đang từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ đói nghèo trong toàn huyện giảm từ 52,5% năm 2009, xuống còn 44,8% năm 2010 và đến nay còn 42,6%. Cuộc sống nông thôn mới đang dần hình thành trên huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.

Chỉ sau gần hai năm chuyển đổi cơ cấu theo Nghị quyết 20 của Ðảng bộ huyện đề ra, cuộc sống của một huyện nghèo miền núi tây bắc Nghệ An đã từng bước đổi thay. Những con đường đất gồ ghề năm nào dẫn vào trung tâm huyện, xuống các xã và một số bản đã được bê-tông hóa, nhiều cửa hàng, nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống của phần đông đồng bào các dân tộc trong huyện từng bước được nâng lên, khác hẳn với suy nghĩ của chúng tôi trước khi đặt chân đến đây.

Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Quế Phong Kha Văn Tám đưa chúng tôi xuống xã, vào từng bản để tìm hiểu thực tiễn của công tác XĐGN.

Là một xã nằm ở trung tâm của huyện, nhưng Quế Sơn lại là xã có xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Châu cho biết: “Quế Sơn có 12 thôn, bản với hơn 3.600 nhân khẩu thuộc bốn dân tộc sinh sống. Những năm trước kia, đời sống của đồng bào dựa chủ yếu vào nông nghiệp, mà điển hình là cây lúa nước, nhưng sau nhiều năm canh tác, chúng tôi nhận ra rằng cây lúa không hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng ở địa phương”. Thực hiện Nghị quyết của Ðảng bộ huyện, xã về chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thổ nhưỡng của từng địa phương, Quế Sơn đã mày mò tìm hướng đột phá cho vùng đất này và đó chính là cây mía. Trên cơ sở đó, Ðảng ủy, chính quyền Quế Sơn đã chủ động phối hợp Nhà máy đường Tate&Lyle đóng tại Quỳ Hợp đưa cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc mía, để từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng mía cho bà con. Ðể đồng bào yên tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các cán bộ chủ chốt của xã chủ động vào cuộc và làm quyết liệt, do đó từ một vài hộ trồng trên diện tích vườn nhà mình, đến nay toàn xã đã có hơn 200ha mía, tạo nguồn thu ổn định, từng bước giúp bà con thoát nghèo bền vững. Từ một hộ gia đình nghèo khó thuộc loại nhất nhì trong xóm, sau khi được Nhà máy đường Tate&Lyle hỗ trợ vốn trồng mía, đến nay gia đình anh Hồ Quang Hiền, ở xóm Phong Quang, đã có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân mỗi năm từ 80 đến 100 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở cây mía, Quế Sơn đã và đang tập trung xây dựng nhiều dự án nhằm khơi dậy tiềm năng trong nhân dân như đề án phát triển kinh tế vùng Nam Sơn (trong đó có ba bản khó khăn nhất của xã), như trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Nếu như trước kia người dân có thói quen chăn nuôi gia súc thả rông, thì đến nay đã khoanh vùng chăn nuôi tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường, dễ quản lý. Tách hộ lập nghiệp, những ngày đầu gia đình anh Hồ Ðình Khương ở xóm Hải Lâm 2, rất khó khăn, phải lo ăn từng bữa. Sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp vay vốn của NHCSXH, anh đầu tư nuôi lợn và vịt bầu. Hiện nay, đàn lợn có từ 80 đến 100 con, đàn vịt hơn 1 nghìn con, không những tạo điều kiện giúp anh hoàn trả vốn vay, mà từng bước vươn lên làm giàu. Năm 2011, số hộ thuộc diện nghèo toàn xã giảm còn 34,83%, so với 60% số hộ nghèo khi mới thành lập xã; 100% số trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường. Hiện, xã chỉ còn ba bản vùng sâu là chưa có điện.

Chủ tịch Hội ND xã Châu Thôn Vi Văn Thanh đưa tôi đi qua cây cầu dây văng mới được xây dựng năm 2011. Ðây là cây cầu độc nhất nối bản Lằm với xã, không những tạo điều kiện giúp bà con thông thương đi lại làm ăn, mà còn tránh được những tai nạn đáng tiếc mỗi khi người dân phải vượt suối. Anh Thanh cho biết: Châu Thôn xác định nuôi ong, gà đen và vịt bầu là nghề truyền thống của bà con trong bản nói riêng và xã nói chung. Xã có hơn 6 nghìn ha đất rừng, hàng trăm ha rừng trồng keo, bạch đàn, lát hoa, xoan và các loài cây ăn quả như nhãn, vải, xoài, bưởi, chanh leo dồi dào, phong phú và đa dạng cho ong làm mật. Ðể mật ong có chất lượng cao, Lãnh đạo xã tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức KHKT về nuôi ong, tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập kinh nghiệm một số cơ sở nuôi ong chuyên nghiệp ở Nghĩa Ðàn, TX. Thái Hòa. Khi đã có ít nhiều kinh nghiệm mỗi hộ được giao nhận nuôi thử nghiệm từ hai đến ba đàn ong để phát triển đàn, nhân rộng. Ðến nay, mô hình này đang phát huy hiệu quả, thu nhập từ mật ong đã mang lại lợi nhuận lớn. Ðiển hình như gia đình chị Vi Văn Bình, dân tộc Thái, trước là hộ nghèo, nhưng nay nhờ nuôi ong lấy mật và bán gà đen, vịt bầu, gia đình chị đã sắm được nhiều dụng cụ đắt tiền như ti vi, đài, quạt…

Những thay đổi căn bản trong cung cách làm ăn tại các xã của huyện Quế Phong được khởi nguồn từ Nghị quyết 20 của Ðảng bộ huyện về tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới công tác khuyến nông, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là cán bộ trẻ. Trên tinh thần đó, Ðảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo hiện thực hóa trong lĩnh vực nông nghiệp như ứng dụng công nghệ mới, giống mới, lựa chọn một số giống cây, con mang tính đặc thù của mỗi xã để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, tập trung ưu tiên đổi mới công tác khuyến nông, chỉ đạo cách làm. Ðiển hình như xã Tri Lễ chọn trồng cây chanh leo, xã Châu Thôn lựa chọn nuôi ong, xã Châu Kim chọn trồng lúa cao sản, nuôi gà đen và lợn Móng Cái, xã Quế Sơn trồng mía, xã Cắm Muộn và Tiền Phong chọn nuôi vịt bầu Quỳ Châu… Không chỉ đơn thuần đề ra chủ trương chính sách, khi áp dụng mô hình vào thực tiễn, huyện đã xác định cán bộ phải bám dân, hướng dẫn từ việc nhỏ đến việc lớn như việc sử dụng phân nén bón cho lúa, chăm sóc ong, nuôi gà, vịt, trồng mía, trồng cỏ… Ðồng thời, huyện cũng đã chủ động lồng ghép các chương trình của Chính phủ như 30a, 135… và các dự án của các tổ chức phi Chính phủ như Dự án CARE của Ðan Mạch, dự án của Tây Ban Nha để tận dụng vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm của các nguồn lực, nhằm đẩy nhanh tiến trình XĐGN. Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lang Văn Minh cho biết: Trên cơ sở thành công của các mô hình do những dự án triển khai trên địa bàn, huyện sẽ bổ sung nguồn lực nhằm nhân rộng. Bên cạnh đó, huyện còn tạo liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Cơ bản là người dân đã dần thay đổi nhận thức, cách làm, từ làm để ăn nay chuyển sang làm hàng hóa để bán. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là việc nhân rộng các mô hình, vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ để người dân có thể tự làm được một cách bền vững.

Trịnh Sơn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác