“Điểm tựa” thoát nghèo

01/07/2013
(VBSP News) Đó là khẳng định của rất nhiều nông dân huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) khi nói về đồng vốn từ NHCSXH. Trên thực tế, nhiều mô hình mới đã xuất hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ sự tiếp sức của ngân hàng.
Người dân làm thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch NHCSXH xã Đồng Rui

Người dân làm thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch NHCSXH xã Đồng Rui

Nở rộ mô hình

Gần đây, người dân thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ đã đưa giống nấm linh chi vào trồng thử nghiệm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Chíu Siu Săn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, nấm linh chi được trồng thử nghiệm từ đầu tháng 4/2012 và đem lại hiệu quả cao ngay trong vụ đầu tiên. Ban đầu có 4 hộ ở thôn Hà Giàn tham gia trồng trên 12 nghìn bịch. Theo tính toán, cứ 12 - 13 bịch sẽ thu được 1kg nấm tươi, với giá bán từ 500 nghìn - 600 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi hộ trồng khoảng 3 nghìn bịch thu lợi nhuận vài chục triệu đồng chỉ sau 4 tháng. Điều đáng ghi nhận là, nhiều hộ đã vận dụng tốt nguồn vốn chính sách của NHCSXH vào trồng nấm.

Từ thành công của mô hình, nhiều hộ dân trong xã Đông Ngũ mong muốn tham gia trồng nấm, bởi nghề này mở ra hướng làm ăn mới, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Người dân cũng mong chính quyền địa phương sớm quy hoạch vùng trồng nấm, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm để mô hình có thể nhân rộng và đảm bảo bền vững; NHCSXH tiếp tục đồng hành cùng người dân trong việc sản xuất bằng cách hỗ trợ vốn vay kịp thời.

Còn tại xã Yên Than, mô hình nuôi cá rô đầu vuông, rô phi đơn tính, nuôi gà Tiên Yên quy mô trang trại, trồng rừng cũng đang phát triển mạnh. Đất rừng của xã được giao cho các hộ gia đình, chủ yếu trồng keo, chu kỳ 5 - 7 năm. Hằng năm, xã có từ 200 - 250ha rừng keo đến kỳ khai thác, mỗi ha thu về 50 triệu đồng. Riêng thu nhập từ cây keo đạt 10 tỷ đồng/năm. Đến thăm gia đình ông Phùn Chi Dếnh, người Dao, thôn Nà Lộc, thấy ngôi nhà hai tầng rộng rải, khang trang. Ông Dếnh cho biết, ngôi nhà này được làm từ tiền bán keo. Và tất nhiên, đồng vốn của NHCSXH đã đóng góp không nhỏ trong thành công này.

Điểm tựa vững chắc

Thời gian qua, Tiên Yên luôn là một trong những huyện có số hộ giảm nghèo nhanh của tỉnh Quảng Ninh. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 10,37% (1.207 hộ), giảm 3,93% so với năm 2011. Đằng sau kết quả đáng ghi nhận này là nỗ lực, cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và sự đóng góp không nhỏ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tiên Yên.

Thoát nghèo đã được 4 năm nay, chị Đào Thị Tâm, thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ vui mừng chia sẻ: “Hồi đó, nhà tôi có 5 miệng ăn nhưng chủ yếu trông chờ vào 3 sào ruộng, công việc của hai vợ chồng bấp bênh, tính ra tổng thu nhập chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Trong khi các cháu còn nhỏ, một cháu bị thiểu năng trí tuệ, gia đình tôi thường xuyên phải vay mượn tiền để chữa trị cho cháu. Khi nhận được nguồn vốn vay ưu đãi để dành cho hộ nghèo, lại được học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi. Từ chỗ chỉ nuôi vài con gà, đến nay, gia đình đã phát triển được đàn lợn nái 4 con, trung bình mỗi năm xuất bán 8 lứa với gần 100 con lợn giống. Ngoài ra, chúng tôi còn nuôi thêm gà, vịt, trừ chi phí mỗi năm thu lãi 30 - 40 triệu đồng. Khi có thu nhập ổn định, gia đình tôi tiếp tục đầu tư thêm máy cày, máy tuốt lúa, máy xay xát làm dịch vụ phục vụ bà con trên địa bàn. Do vậy, cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá, có của ăn của để, con cái yên tâm học hành”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khánh Trình - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tiên Yên cho biết: Trong 10 năm qua ngân hàng đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó: Chương trình cho vay hộ nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì thế, trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch được giao, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tiên Yên đã cân đối nhu cầu đến các xã, thị trấn. Đồng thời ngân hàng tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể nhận uỷ thác và người vay để hoàn thiện hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, kịp thời các nguồn vốn ưu đãi. Việc tổ chức tập huấn uỷ thác nguồn vốn vay được quan tâm thực hiện, không chỉ giúp cho cán bộ cơ sở nắm vững chuyên môn để hướng dẫn bà con vay vốn, đôn đốc thu hồi vốn mà còn hiệu quả trong việc giảm tải công việc ở cơ sở cho cán bộ tín dụng. Vì vậy, nguồn vốn không hề bị tồn đọng, hộ nghèo được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn vay, dư nợ tăng trưởng đều qua các năm. Hiện, tổng doanh số cho vay vốn hộ nghèo đạt 95,766 tỷ đồng với 10.102 lượt khách hàng; tổng dư nợ 45 tỷ đồng với 2.624 hộ còn dư nợ.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình này, công tác khuyến nông, lâm, ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng đã được lồng ghép thực hiện để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, huyện Tiên Yên đã có 4.870 hộ thoát nghèo. Nhận thức và cách thức làm ăn của người dân đã có chuyển biến rõ rệt, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và ổn định xã hội.

Thanh Hoa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác