Dễ bị tái nghèo nếu thiếu vốn
Phóng viên: Thưa ông, sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, nguồn vốn chính sách đã góp phần thế nào trong công cuộc xóa nghèo, đặc biệt tại các vùng nông thôn Hà Nội?
Trả lời: Sau 5 năm mở rộng, tổng nguồn vốn NHCSXH TP. Hà Nội đạt 4.250 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 17%, trong đó: 85% vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đến nay, ngân hàng đã thực hiện 11 chương trình cho vay, trong đó: 5 chương trình lớn nhất, chiếm tỷ trọng cho vay nhiều nhất là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay HSSV… Từ năm 2008 đến nay, NHCSXH đã cho vay được trên 570 nghìn hộ nghèo và các đối tượng khác với doanh số cho vay trên 7.300 tỷ đồng, trong đó, khoảng 200 nghìn khách hàng thoát nghèo. Bình quân hàng năm trên 30 nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho trên 200 nghìn lao động, trên 100 nghìn HSSV có điều kiện vay vốn đi học. Đầu năm 2009, toàn thành phố có 117 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,43%. Đến cuối 2012, số hộ nghèo chỉ còn hơn 25 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 1,25%.
Phóng viên: Khó nhất của việc cho vay vốn chính sách hiện nay là gì, thưa ông?
Trả lời: Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn vẫn chưa theo kịp với nhu cầu vay vốn, đặc biệt với khu vực các huyện, nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, việc xét duyệt ở một số địa phương vẫn còn máy móc, đánh giá tỷ lệ hộ nghèo một số nơi vẫn còn bất cập và việc cập nhật thường xuyên những thay đổi chính sách như thay đổi về việc bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo… vẫn chậm. Những điều này đã khiến nhu cầu vay vốn chính sách của NHCSXH một số nơi chậm lại.
Phóng viên: Nhờ vốn chính sách, hàng vạn gia đình đã thoát nghèo. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghèo luôn hiện hữu. Làm sao để hạn chế nguy cơ này, thưa ông?
Trả lời: Theo thống kê của NHCSXH TP. Hà Nội và Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2011 và 2012, có trên 80% hộ cận nghèo có thể tái nghèo trở lại nếu không được vay vốn. Chúng tôi đã có báo cáo UBND TP. Hà Nội về vấn đề này. UBND thành phố cũng đã có những chỉ đạo để tập trung vốn cho những hộ thoát nghèo tránh tình trạng tái nghèo, thoát nghèo bền vững.
Phóng viên: Thực tế, có nhiều đối tượng khách hàng không thuộc diện cận nghèo để vay vốn của NHCSXH. Họ cũng không đủ điều kiện để các Ngân hàng thương mại mở “hầu bao” cho vay. Vậy, làm thế nào để những đối tượng này có thể tiếp cận vốn vay, phát triển sản xuất, thưa ông?
Trả lời: Đúng là có không ít người dân, hộ gia đình nằm giữa ngưỡng cận nghèo và khá. Họ không thuộc các đối tượng được vay vốn NHCSXH nhưng cũng không đủ điều kiện để tiếp cận vốn Ngân hàng thương mại. Chính phủ và UBND TP. Hà Nội cũng đang chỉ đạo các xã, phường, quận, huyện… có những điều tra và cập nhật nhu cầu vay vốn của người dân liên tục để đưa ra các biện pháp giải quyết.
Phóng viên: Có hiện tượng sử dụng vốn vay của NHCSXH sai mục đích không và làm thế nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
Trả lời: Việc xét duyệt các đối tượng được vay vốn NHCSXH rất chặt chẽ. Các đối tượng này phải được sự xác nhận của địa phương và các đơn vị liên quan nên việc cho vay sai đối tượng là rất ít. Tuy nhiên, nếu phát hiện trường hợp nào cho vay sai đối tượng, vay ké, sử dụng vốn sai mục đích, chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi lại vốn ngay và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Đinh Nguyễn - Báo Kinh tế và Đô thị
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp vốn cho hộ cận nghèo
- » 10 năm thực hiện ủy thác: “SÁT CÁNH CÙNG THANH NIÊN VƯỢT KHÓ”
- » Công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN
- » Tăng mức cho vay đối với HSSV lên 1.100.000 đồng/tháng
- » Bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN Việt Nam
- » Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bố trí vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
- » Sức bật trong xây dựng Nông thôn mới ở Nga Thái
- » NHCSXH triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2013
- » Cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Cách làm thiết thực giảm hộ nghèo, tăng hộ khá