Người khuyết tật thoát nghèo nhờ được vay vốn

30/07/2013
(VBSP News) Năm 2012, Hội Người khuyết tật Hà Nội được UBND thành phố duyệt cho vay 5 tỷ đồng từ chương trình giải quyết việc làm dành cho Người khuyết tật. Nhờ nguồn tiền này, hội đã giúp hàng trăm hội viên có vốn phát triển kinh tế gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Được tiếp cận vốn vay, người khuyết tật có cơ hội tìm được việc làm

Được tiếp cận vốn vay, người khuyết tật có cơ hội tìm được việc làm

Hội Người khuyết tật Hà Nội thành lập năm 2006. Một hoạt động trọng tâm của hội là hỗ trợ các hội viên có việc làm, phát triển kinh tế gia đình mà cụ thể hơn là giúp họ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Sau nhiều lần đề nghị, từ năm 2010 hội đã được UBND TP. Hà Nội đồng ý cho vay mỗi năm khoảng 300 triệu đồng thông qua NHCSXH TP. Hà Nội. Do chưa hiểu cặn kẽ và chưa đáp ứng được các thủ tục nên hội chưa thể tiếp cận ngay được với nguồn vốn ưu đãi này. Trước thực trạng đó, hội đã tổ chức nhiều cuộc họp, nghiên cứu kỹ các thủ tục liên quan để được vay vốn.

Nhận thấy năng lực của Hội Người khuyết tật Hà Nội đã đủ khả năng đứng ra quản lý nguồn vốn vay, năm 2012, UBND TP. Hà Nội đã duyệt cho vay 5 tỷ đồng. Sau khi có quyết định của UBND TP. Hà Nội, được sự hướng dẫn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, NHCSXH TP. Hà Nội và hội đã tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn hội viên có nhu cầu làm thủ tục vay vốn theo quy định, đồng thời tư vấn cho các hội viên lựa chọn một số ngành nghề phù hợp với điều kiện của địa phương và hoàn cảnh gia đình. Để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, hồ sơ xin vay vốn của các hộ gia đình được UBND cấp xã, phường và Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận, huyện kiểm tra xác nhận. Chủ dự án, Chủ tịch Hội Người khuyết tật các quận, huyện chịu trách nhiệm tổng hợp trình UBND quận, huyện ra quyết định cho vay đến từng cá nhân. NHCSXH quận, huyện căn cứ quyết định của UBND quận, huyện tiến hành giải ngân.

Nhờ nắm rõ các thủ tục cần thiết nên đến nay, hội đã giúp 263 người khuyết tật vay 4,999 tỷ đồng/5tỷ đồng thành phố duyệt cho vay (đạt 99,98%), trong đó: 119 người vay vốn để chăn nuôi, 61 người vay vốn để sản xuất theo ngành nghề địa phương, 83 người vay để sửa chữa, kinh doanh buôn bán nhỏ. Mức vay thấp nhất là 10 triệu đồng/người, cao nhất là 20 triệu đồng/người - tuy không lớn nhưng đã trở thành “phao cứu sinh” giúp nhiều người khuyết tật có điều kiện phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giảm bớt nghèo khó. Điển hình như trường hợp anh Quách Đức Mạnh bị liệt hai chân, ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Nhờ được vay vốn, anh đã thuê địa điểm mở xưởng mộc chuyên sản xuất đồ thờ. Hiện xưởng mộc của anh có 10 lao động với mức thu nhập từ 3 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Cũng nhờ được vay vốn nên cơ sở may của chị Nguyễn Thị Hương, ở huyện Thanh Oai có nguồn lực phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho 12 lao động. Các anh Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Doãn Đông ở huyện Quốc Oai và Lê Tiến Hà ở huyện Phú Xuyên được vay vốn mở xưởng sản xuất mộc và khảm trai, hiện xưởng đã được mở rộng và ngày càng phát triển.

Do bị khuyết tật nên cuộc sống của người khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Người khuyết tật luôn mong muốn có việc làm, thu nhập để cải thiện cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người khuyết tật của TP. Hà Nội thực sự là hướng mở cho người khuyết tật, không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh Quỳnh Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác