Hiệu quả từ ủy thác cho vay

28/07/2013
(VBSP News) Ủy thác cho vay qua các hội, đoàn thể là phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách sáng tạo của Việt Nam.

Gia đình anh Đỗ Toàn Năng ở xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang) được vay vốn từ NHCSXH để đầu tư chăn nuôi lợn và cá diêu hồng, mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng

Gia đình anh Đỗ Toàn Năng ở xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang) được vay vốn từ NHCSXH để đầu tư chăn nuôi lợn và cá diêu hồng, mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng
                                                                                                             Ảnh: Trần Việt

“Từ chỗ phải chạy ăn từng bữa, nhà ở dột nát, nhưng khi được vay 10 triệu đồng vốn từ NHCSXH vào năm 2005, tôi thuê đất trồng sắn, mía, ngô, đậu phộng, cuộc sống của gia đình dần ổn định. Có điều kiện đầu tư thâm canh, tôi kết hợp nuôi bò, lợn, gà tăng thu nhập gia đình. Sau hai năm trả hết nợ cũ, tôi lại được vay mới 30 triệu đồng mua máy cày phục vụ sản xuất gia đình và làm dịch vụ cho thu nhập ổn định”. Đây là những tâm sự của ông Nguyễn Đình Mãi, xóm Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định).

Ông Nguyễn Đình Mãi là một trong số hàng nghìn hộ dân đã vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo từ chính những đồng vốn tuy không nhiều nhưng kịp thời mà NHCSXH đã “rót” tới người nông dân. Khi đã thoát nghèo, có kinh tế dư giả, ông còn hỗ trợ, giúp đỡ 5 - 7 hộ nghèo trong thôn cùng phát triển sản xuất.

Một trường hợp khác, hộ ông Trần Vươi, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) là thành viên hộ nghèo, năm 2009, gia đình ông được xét vay 10 triệu đồng để chăn nuôi lợn nái. Qua 3 năm, gia đình trả hết vốn, lãi. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo bền vững, ông đã có căn nhà trị giá 100 triệu đồng và còn tham gia tiết kiệm tự nguyện.

Để đồng vốn trên đến trực tiếp được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là nhờ Hội ND Việt Nam thực hiện ủy thác cho vay vốn từ NHCSXH. Theo đánh giá của bà Đặng Thị Thủy - Phó Trưởng ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, sau 10 năm triển khai, phương thức ủy thác cho vay vốn không chỉ góp phần chuyền tải vốn tín dụng nhanh chóng, thuận tiện, đúng đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà còn có tác động lớn tới công tác tuyên truyền, tập hợp nông dân và xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Thông qua quy trình cho vay vốn là các Tổ tiết kiệm và vay vốn, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được trực tiếp truyền tải các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động bình xét cho vay, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã có gần 70.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Dư nợ nhận ủy thác liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và chương trình tín dụng. Tại thời điểm 31/12/2003 dư nợ đạt trên 3.000 tỷ đồng với duy nhất 1 chương trình, nhưng đến 31/12/2012 dư nợ đã lên gần 38.000 tỷ đồng với 14 chương trình tín dụng, chiếm tỷ trọng 34% tổng dư nợ của NHCSXH.

Theo bà Đặng Thị Thủy, việc cho vay vốn qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp cho kênh vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, an toàn và nhanh chóng. Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2005 - 2010 giảm từ 22% xuống 9,45% và trong thời kỳ 2011 - 2012 giảm từ 14,2% xuống còn 10%.

Bên cạnh việc cho vay vốn, hội còn phối hợp với các ngành, đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả. Ngoài ra, các cấp hội còn xây dựng hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho nông dân thăm quan, trao đổi kinh nghiệm. Những hoạt động này đã tạo ra sự lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, nhiều hộ từ đó đã có mức thu nhập cao, thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Theo Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý, ủy thác cho vay là cách làm sáng tạo của Việt Nam. Đây là phương thức quản lý vốn tín dụng hiệu quả, điều đó được minh chứng bởi nguồn vốn vẫn được bảo tồn. Hoạt động ủy thác thực sự là một cách thức phối hợp giữa Hội ND Việt Nam và NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao, đưa vốn về đúng đối tượng, làm cho người dân có cuộc sống phát triển và vẫn quản lý được nguồn vốn đó.

Ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam cho biết, để phù hợp với công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nông dân trong giai đoạn mới, Hội sẽ cùng với NHCSXH đề xuất Chính phủ tăng nguồn vốn để không những cho vay giảm nghèo mà còn cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới.

Bích Hồng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác