Rời thành phố lên miền núi lập trang trại
Khi xuất ngũ trở về quê hương, với hai bàn tay trắng, lại mang trong người vết thương trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biên giới của đất nước, nhưng anh Báo chẳng một lời kêu ca, mà trong lòng đau đáu lo âu khi nhìn người vợ tần tảo sớm khuya chăm lo sức khoẻ cho mình và việc học hành của các con.
Trăn trở với lời chỉ bảo của Hồ Chủ tịch: “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh Báo đã lặn lội nhiều nơi tìm hiểu mô hình làm ăn khá giả của đồng đội chiến đấu năm xưa. Sau khi đã tham quan, học hỏi trực tiếp được kinh nghiệm, anh quan sát thấy vùng đồi núi ở xã Quý Sơn có vị trí thuận lợi về giao thông, nguồn nước sử dụng, đất đai phì nhiêu, nếu biết cách và có tiền vốn đầu tư khai thác để làm trang trại ắt sẽ có cơ hội phát triển làm giàu, vậy là anh bàn với vợ bán hết nhà ở, tài sản để dồn tiền nong cùng với số vốn vay ngân hàng nhận thầu đất đai và đầu tư mua cây con giống, xây dựng chuồng trại phát triển sản xuất trên vùng đất mới.
Thời gian đầu lên rừng lập nghiệp, thương binh Nguyễn Văn Báo đã được chính quyền, Hội CCB nơi sở tại giúp đỡ và NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm. Với thuận lợi ấy, vợ chồng anh nhận thầu hơn 4ha đầm ao, hồ hoang để thức khuya dậy sớm khai hoang, cải tạo thành ao nuôi cá quả, cá rô phi. Cùng với đó 800m2 đất đồi được anh rào lưới sắt cẩn thận nuôi 50 con lợn rừng, xây chuồng trại nuôi 200 con lợn nái, lợn thịt theo hướng công nghiệp trên diện tích 600m2. Ngoài chăn nuôi, anh Báo còn quy hoạch trồng 10ha vải thiều, hồng không hạt. Để nuôi lợn phù hợp với vùng đất đồi, anh Báo lấy giống chủ yếu ở một cơ sở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc); chuồng trại chăn nuôi được anh xây thoáng mát. Riêng lợn rừng, anh thả nuôi dưới tán cây rậm, có nơi trú ẩn, tránh thời tiết mưa lũ. Với gà, vịt thả vườn, anh để gia cầm phát triển tự nhiên, cách vài tháng tiến hành kiểm tra tiêm phòng dịch bệnh. Với cách làm này, đồng vốn vay của ngân hàng và công sức của gia đình anh đã đạt kết quả đáng mừng. Tính ra, khoảng 5, 6 tháng, anh thu hoạch cá bán cho các Công ty chế biến thủy sản. Lợn, anh bán cho các cửa hàng, thương lái mua để thịt; gà, vịt thả vườn, anh cung cấp cho siêu thị. Riêng vải thiều giống lai chín muộn mỗi năm cho gia đình anh đến chục tấn quả, trừ chi phí được lãi vài chục triệu đồng.
Anh Báo tiết lộ: “Trang trại của gia đình tôi còn giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Hàng năm, tôi cũng dành từ 20 - 30 triệu đồng ủng hộ các phong trào thi đua sản xuất của địa phương và quỹ từ thiện, đồng thời thường xuyên giúp đỡ kinh nghiệm làm ăn, cho vay không tính lãi tiền vốn, cây con giống tới tận tay bà con nghèo khó trong thôn, xã. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục vay vốn ưu đãi để đầu tư, mở rộng trang trại…”.
Bài và ảnh Hoàng Lâm
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Không cam phận nghèo
- » Đổi thay cả vùng đồi sỏi đá
- » Vốn vay ủy thác được phát huy hiệu quả
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi họp phiên thường kỳ
- » Từ mô hình lúa - tôm, nhiều hộ dân Hòa Đông thoát nghèo
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang họp giao ban Quý II
- » Phát huy phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ" trong xóa nghèo
- » PHÓ GIÁM ĐỐC NHCSXH TP. HÀ NỘI ĐỖ THANH HIỀN: Cần có những điều chỉnh để giải quyết "cái gốc" của xóa nghèo
- » Phát triển nghề nuôi bò sữa ở Tân Hưng
- » Ủy viên HĐQT NHCSXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Sơn La