Không cam phận nghèo

19/07/2013
(VBSP News) Không chịu đầu hàng hoàn cảnh ở chốn rừng sâu, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn, nhiều nông dân ở miền núi bằng ý chí và nghị lực thoát nghèo, được tiếp sức bằng nguồn vốn vay của NHCSXH, họ đã lập nghiệp thành công. Biến đói nghèo thành giàu có. Xin kể hai trong hàng trăm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn).
Được anh Đức giúp đỡ, nhiều hộ nghèo người Dao ở bản Nà Cà đã thoát nghèo từ chăn nuôi bò

Được anh Đức giúp đỡ, nhiều hộ nghèo người Dao ở bản Nà Cà đã thoát nghèo từ chăn nuôi bò

Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, hạ sĩ Hoàng Nguyên Đức xuất ngũ với một chiếc chân giả, về với bản nghèo, một vợ và 3 con nhỏ. Bản Nà Cà, xã Mỹ Thanh quê hương anh, vốn là một bãi cỏ gianh, ba bề bốn bên núi bao bọc, chỉ có vài khoảnh ruộng do bà con khai hoang hoặc đổi trâu bò cho người dân quanh vùng. Nà Cà có 55 hộ người Dao, một nửa không có ruộng canh tác, trong đó có nhà anh Đức.

Không thể để gia đình thiếu đói triền miên, anh thương binh Hoàng Nguyên Đức từng bước tìm cách thoát nghèo. Trước hết, lo cái ăn. Anh bán lợn, bán thóc gom góp chút vốn mua được 1.600m2 ruộng. “Có đất sản xuất đủ lương thực, yên cái bụng - anh Đức nói, tận dụng thế núi, tôi vay Ngân hàng Phục vụ người nghèo 15 triệu đồng mua dê về chăn nuôi. Sau mấy năm đàn dê phát triển lên 120 con”. Không dừng lại, vào những năm 2000 anh là người Dao đầu tiên ở Nà Cà viết đơn vay vốn ngân hàng mua cùng một lúc 33 con bò giống. Cả bản ngạc nhiên, lo anh thương binh làm liều. Còn gia đình anh thì ra sức chăm sóc. Đàn bò sinh sôi, bò mẹ đẻ bò con, cứ tăng lên mãi. Khi tổng đàn bò của gia đình đã tăng lên tới 152 con, không chăn xuể. Anh chia đàn dê hơn 120 con cho 6 gia đình trong bản nuôi; đàn bò cũng được chia làm 8 nhà chăm sóc, theo thỏa thuận cứ sinh được 1 dê hoặc bê thì mỗi bên được một nửa. Nhiều nhà không có ruộng, được anh giao chăm sóc đàn gia súc nên đã có công ăn việc làm, sau vài năm có hẳn một đàn gia súc riêng. Nà Cà bây giờ không còn hộ đói, chỉ còn vài hộ nghèo. Được sự quan tâm của Nhà nước điện và nước sạch đã về với nhiều gia đình.

Dù khá giả, nhưng hàng ngày vợ chồng anh Hoàng Nguyên Đức vẫn chăn nuôi một đàn lợn hơn chục con, làm hơn một mẫu ruộng và mở một cửa hàng tạp hóa kiêm xay xát phục vụ bà con trong bản. Thu lãi khoảng 110 triệu đồng/năm. Mỗi lần có khách đến thăm nhà, ngoài chuyện làm ăn, anh thương binh Hoàng Nguyên Đức không quên đưa tấm ảnh anh được chụp chung với nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong dịp về Hà Nội dự Hội nghị điển hình CCB làm kinh tế giỏi. Kỷ niệm ấy hàng ngày thôi thúc anh cùng bản làng xóa nghèo bền vững…

Nếu anh Đức được bà con người Dao mệnh danh là “Thủ lĩnh làm giàu ở bản Nà Cà”, thì Trịnh Xuân Chiến ở bản Nà Đán, xã Đôn Phong được bà con gọi là “Chiến thú y”. Do đất canh tác ít, nên anh chọn chăn nuôi làm nghề và tịnh tiến từng bước để thoát nghèo. Năm 2007, được NHCSXH huyện Bạch Thông cho vay 30 triệu đồng, với số vốn ban đầu anh đầu tư vào chăn nuôi lợn. Do chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức trong phòng chống dịch bệnh, nên bị thua lỗ. Không bó tay trước thử thách, anh quyết định xin đi học tại Trường Trung cấp thú y tỉnh. Sau khi ra trường, trở về quê, anh quyết tâm đầu tư vào chăn nuôi với quy mô lớn hơn, xây dựng lại chuồng trại thành hai khu: một khu nuôi lợn thịt, một khu nuôi 5 con lợn nái sinh sản. Mỗi lứa lợn nái đẻ được khoảng 10 - 12 con, anh để lại nuôi lợn thịt. Nhờ kiên trì và biết áp dụng khoa hoc, kỹ thuật, từ chăn nuôi lợn mang về cho anh mức thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Có vốn anh nuôi thêm gà đồi. Đợt đầu nuôi 300 con. Sau hơn 3 tháng xuất chuồng, với kết quả khả quan, anh Chiến mạnh dạn mở rộng chăn nuôi gà đồi. Đầu năm 2011, anh mua thêm máy ấp trứng và hơn một nghìn con gà mía lai về thả trong khu vườn đồi gia đình. Gà thả đồi cho thịt săn và chắc, ngon hơn so với gà nuôi nhốt, thu hút nhiều tư thương và dân địa phương khác đến mua. Năm 2011 và 2012, từ chăn nuôi lợn, gà gia đình anh Chiến thu 200 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, anh Chiến còn là địa chỉ tin cậy được người dân trong xã tìm đến học tập. Anh sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Cái tên “Chiến chăn nuôi”, “Chiến thú y”của anh ra đời từ đó.

Bài và ảnh Hồ Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác