PHÓ GIÁM ĐỐC NHCSXH TP. HÀ NỘI ĐỖ THANH HIỀN: Cần có những điều chỉnh để giải quyết “cái gốc” của xóa nghèo

16/07/2013
(VBSP News) ) Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa nghèo, hoạt động của NHCSXH TP. Hà Nội đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí buộc phải ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể của hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm đã tạo sức ép rất lớn về vấn đề giải quyết việc làm. Với mong muốn góp phần giải tỏa sức ép trên cũng như giúp người dân xóa nghèo bền vững, Phó giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội Đỗ Thanh Hiền đã có cuộc trao đổi với phóng viên về hoạt động của ngành chức năng cùng những giải pháp, kiến nghị cụ thể.
Bà Đỗ Thanh Hiền - Phó giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội

Bà Đỗ Thanh Hiền - Phó giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội

Rất dễ tái nghèo
Phóng viên: Thưa bà, không như khách hàng của các ngân hàng khác, chỉ những đối tượng thuộc diện đặc biệt mới có thể tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH?

Trả lời: Theo quy định của Chính phủ, chúng tôi có 11 nhóm đối tượng phục vụ gồm: hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách cần vay vốn để giải quyết việc làm, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và các tổ chức kinh tế, cá nhân hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thuộc các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Phóng viên: Tới thời điểm này, toàn thành phố còn bao nhiêu hộ nghèo, hộ cận nghèo?

Trả lời: Con số này luôn luôn dao động. Hôm nay, họ có thể nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng ngày mai có thể không còn nằm trong danh sách đó và ngược lại. Theo kết quả rà soát mới nhất của Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo thành phố, Hà Nội hiện còn hơn 59 nghìn hộ nghèo với gần 190 nghìn nhân khẩu và có trên 42 nghìn hộ cận nghèo với hơn 153 nghìn nhân khẩu. Bên cạnh đó, toàn thành phố còn có trên 16 nghìn hộ có thu nhập trên chuẩn cận nghèo nhưng tối đa chỉ bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Nếu không có chính sách tốt, những hộ dân đó rất có thể lại rơi vào diện cận nghèo hoặc nghèo.

Phóng viên: Như bà đã nêu, các con số này luôn dao động. Điều đó có nghĩa sẽ có những hộ dân thoát nghèo nhưng lại có những hộ nghèo, cận nghèo phát sinh mới?

Trả lời: Thực tế là như vậy! Ví dụ, năm 2012 có 30.244 hộ dân được hỗ trợ thoát nghèo (đạt 131% kế hoạch); tuy nhiên, lại có 8.664 hộ nghèo phát sinh, trong đó có 840 hộ tái nghèo.

Phóng viên: Xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống là công việc không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, con số như trên là chấp nhận được, điều đó cũng cho thấy hiệu quả trong việc giúp người dân xóa nghèo trên địa bàn thành phố. Thưa bà, hiện nay tiêu chí cụ thể để xác định hộ nghèo, cận nghèo là như thế nào?

Trả lời: Theo Quyết định của UBND TP. Hà Nội về chuẩn nghèo, cận nghèo giai đoạn 2011 - 2015: Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân từ 750 nghìn đồng/người/tháng trở xuống ở thành thị và từ 550 nghìn đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn; hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân từ 751 nghìn đồng đến một triệu đồng/người/tháng ở thành thị và từ 551 nghìn đồng đến 750 nghìn đồng/người/tháng ở nông thôn.

Phóng viên: Như vậy, chuẩn nghèo, cận nghèo của Hà Nội cao hơn hay thấp hơn chuẩn của toàn quốc?

Trả lời: Theo chuẩn của Trung ương thì hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 500 nghìn đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị và thu nhập bình quân từ 400 nghìn đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn. Nếu theo chuẩn này thì Hà Nội chỉ có trên 25 nghìn hộ nghèo. Nói cách khác là chuẩn nghèo, cận nghèo của Hà Nội cao hơn toàn quốc.

Phóng viên: Thưa bà, số hộ nghèo của chúng ta tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị hay nông thôn?

Trả lời: Gần 88% số hộ nghèo của TP. Hà Nội tập trung ở khu vực nông thôn, điều đó cũng tương ứng với 85% khách hàng của NHCSXH TP. Hà Nội là dân cư khu vực nông thôn.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về kết quả thống kê của Hà Nội đối với số hộ nghèo, cận nghèo và số hộ có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng sát với chuẩn cận nghèo?

Trả lời: Chắc chắn cơ quan chức năng đã triển khai những công việc cần thiết để đưa ra con số cụ thể.

Phóng viên: Vậy theo bà, công tác xóa nghèo của chúng ta trong thời gian qua đã thu được kết quả bền vững?

Trả lời: Tôi cho rằng, chúng ta đã đạt được những kết quả rất to lớn, tuy nhiên để hướng tới mục tiêu xóa nghèo bền vững vẫn cần tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt.

Phóng viên: Cụ thể là như thế nào?

Trả lời: Cần phải hiểu đúng, việc cho các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách vay vốn ở đây không phải là cung cấp cho họ “con cá” trong bữa ăn, mà cùng với đồng vốn còn phải cung cấp cho họ kinh nghiệm, hướng dẫn họ cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, họ mới có thể sử dụng hiệu quả đồng vốn để thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phóng viên: Tựu trung là phải tạo ra cho các hộ nghèo, cận nghèo có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Vậy, NHCSXH đã thực hiện những biện pháp gì để khách hàng sử dụng hiệu quả đồng vốn vay?

Trả lời: Chúng tôi luôn kết hợp việc cho vay vốn với lồng ghép các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… Để thực hiện công việc này, chúng tôi phải dựa vào “cánh tay nối dài” là các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc… và gần 9.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng địa bàn khu dân cư, thôn, xóm. Nhiều tổ chức hội, đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn đã có cách làm năng động trong việc phân công cán bộ, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn, đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin thị trường để hội viên có thể vận dụng trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, cán bộ tín dụng ngân hàng còn cần phải sâu sát theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, giúp các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt ngay tại cơ sở…

Gia hạn vay vốn ưu đãi

Phóng viên: Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, để có được việc làm là không đơn giản nhưng đó mới là cái gốc của vấn đề. Đồng hành với NHCSXH còn cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị…

Trả lời: Và bên cạnh đó còn cần có cơ chế, chính sách phù hợp. Trên cơ sở thực tế, chúng tôi đã có những kiến nghị một số vấn đề cần điều chỉnh. Trước hết, về đối tượng được vay vốn, chúng tôi đề nghị mở rộng thêm cả những đối tượng không thuộc diện nghèo, cận nghèo nhưng cuộc sống của họ hiện nay đang ở sát mức đó. Họ không thuộc diện được vay vốn của NHCSXH theo quy định của Chính phủ. Nhưng họ cũng không thể vay vốn ở các ngân hàng khác vì không có tài sản thế chấp, thậm chí là có tài sản thế chấp nhưng số tiền họ vay không quá lớn với mục tiêu mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, hoặc kinh doanh dịch vụ… thì các ngân hàng cũng khó có thể cử nhân viên đi thẩm tra và làm các thủ tục cần thiết. Giải quyết mở rộng đối tượng vay vốn, một mặt chúng ta đã tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong xã hội khi nhiều người có việc làm, mặt khác chúng ta gián tiếp hạn chế số hộ nghèo, cận nghèo phát sinh.

Phóng viên: Thiết nghĩ, để công tác xóa nghèo bền vững, trước mắt nên tập trung các giải pháp không để xảy ra tình trạng tái nghèo?

Trả lời: Đúng vậy và điều đó cũng cần có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách. Tôi lấy ví dụ, hộ A, hộ B ngày hôm nay thoát nghèo, được đưa ra khỏi diện hộ nghèo, và như vậy họ lại không có điều kiện được tiếp xúc với nguồn vốn ưu đãi trong khi thực lực của họ về sản xuất, kinh doanh còn rất mong manh. Do đó, để hạn chế việc tái nghèo, cần có thêm khoảng thời gian khoảng 3 năm hoặc 5 năm để họ có thể tiếp tục vay vốn ưu đãi.

Phóng viên: Những đề xuất của bà đều bắt nguồn từ sự tiếp cận sâu sát với thực tế đời sống?

Trả lời: Có những vấn đề chúng tôi phát hiện ra qua thực hiện công việc hàng ngày. Ví dụ, với tiêu chí về vệ sinh môi trường, hạn mức cho vay còn rất thấp, mới chỉ đạt 8 triệu đồng/hộ, rất khó cho việc đầu tư nâng cấp để thực hiện tiêu chí “có 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn”. Hoặc như việc nên hỗ trợ học sinh, sinh viên cả trong quá trình học tập và khi ra trường lập nghiệp, đồng thời cần có chính sách với số đối tượng không đỗ đại học, chuyển sang học nghề… Bên cạnh đó, có những vấn đề tôi thu thập được qua thực tế đời sống. Ở gần nhà tôi, có gia đình người mẹ một mình nuôi 3 đứa con, hoàn cảnh rất khó khăn. Mong ước của chị là vay một món tiền từ 7 đến 10 triệu đồng để mở một hàng nho nhỏ bán bún đậu nhưng không thể vay ở đâu được. Tối ngày làm thuê ở chỗ này, chỗ khác, cũng chả sinh hoạt hội, đoàn thể nào nên ai dám đứng ra bảo lãnh để chị vay vốn?… Rất nhiều câu chuyện như vậy cho thấy vẫn còn những bất cập về cơ chế, chính sách hiện nay.

Phóng viên: Trở lại với câu chuyện giải quyết việc làm, đối tượng thuộc diện chính sách được vay với mức là bao nhiêu, thưa bà?

Trả lời: 20 triệu đồng/trường hợp.

Phóng viên: Vậy hiện nay, tại NHCSXH nguồn vốn dành cho lĩnh vực này là bao nhiêu?

Trả lời: Chúng tôi được bố trí ủy thác hơn 900 tỷ đồng làm nguồn vốn dành cho lĩnh vực này. Với số tiền đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số vốn cho vay ưu đãi để giải quyết việc làm.

Phóng viên: Giả sử những kiến nghị nêu trên của bà được chấp thuận, sẽ mở rộng đối tượng được vay vốn để giải quyết việc làm, lúc đó chúng ta sẽ lấy đâu ra tiền để cho vay?

Trả lời: Đúng là hiện nay nguồn vốn của chúng ta còn rất hạn hẹp. Hơn 900 tỷ đồng có lẽ chưa thấm tháp gì đối với nhu cầu vay vốn của Hà Nội. Nhưng cũng có nhiều cách thức để huy động nguồn vốn. Tôi lấy ví dụ, nếu thành phố cho phép chúng tôi huy động vốn và chấp nhận bù lỗ phần chênh lệch trong lãi suất thì trước mắt chúng ta sẽ giải quyết được bài toán này. Tất nhiên, ngân sách của thành phố sẽ phải dành một khoản cho việc đó nhưng tôi nghĩ số tiền này là không nhiều so với tính xã hội, tính nhân văn mà chương trình đem lại. Và lớn hơn thế, mặt bằng chung về đời sống của Thủ đô sẽ được cải thiện rõ rệt, đó chính là góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Phóng viên: Như bà nêu, với đối tượng hỗ trợ chủ yếu của NHCSXH là dân cư khu vực nông thôn, chúng ta đã làm được những công việc gì để xóa dần sự chênh lệch giữa nội thành và ngoại thành?

Trả lời: Có rất nhiều ví dụ để minh chứng cho những đổi thay của khu vực ngoại thành Hà Nội trong thời gian qua với sự hỗ trợ thiết thực của NHCSXH. Xét về tổng thể có thể thấy chúng tôi đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng Nông thôn mới tại các địa phương thông qua các chương trình như xóa nghèo; giải quyết việc làm; xây dựng - cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mở rộng kinh doanh, sản xuất… Tính đến hết tháng 5/2013, vốn tín dụng của NHCSXH đầu tư cho khu vực nông thôn của TP. Hà Nội đã đạt trên 3.000 tỷ đồng, với 240 nghìn khách hàng thuộc dư nợ của 10 chương trình tín dụng chính sách. Riêng tại địa bàn 19 xã điểm xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô, đã có 13.475 hộ gia đình được vay vốn với số tiền 183 tỷ đồng…

Phóng viên: Vấn đề cuối cùng xin được hỏi bà, hiện có nhiều ý kiến phản ánh, mức lãi suất cho vay của NHCSXH vẫn còn quá cao nên chưa thể hiện rõ tính chất ưu đãi với đối tượng được vay vốn. Bà nhận xét như thế nào về điều này?

Trả lời: Đây cũng là một vấn đề chúng tôi đang đề nghị có những điều chỉnh phù hợp. Lãi suất, mức cho vay của NHCSXH đối với từng loại đối tượng thuộc các chương trình tín dụng ưu đãi là do Chính phủ quy định. Các cơ chế, chính sách đều có độ trễ khi vận hành trong đời sống và điều đó đã nảy sinh bất cập khi tình hình có những diễn biến nhanh chóng.

Phóng viên: Cảm ơn bà về những vấn đề trao đổi! Hy vọng NHCSXH sẽ tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm và xóa nghèo bền vững trên địa bàn Hà Nội.

Thực hiện Thái Sơn - Báo Hà Nội mới

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác