Làm giàu trên vùng đất mới
Vợ chồng anh Nguyễn Duy Vị và chị Nguyễn Thị Thơm là một dẫn chứng. Tiếp khách trong căn nhà kiên cố vừa mới xây dựng, anh Vị nhớ lại: “Gia đình tôi rời Hà Tĩnh đầu năm 2000 theo diện đi xây dựng kinh tế mới. Ngày ấy, nơi đây đường sá còn bụi mù về mùa khô, lầy lội về mùa mưa, mà dân cư vẫn còn thưa thớt. Phần đông là Việt kiều từ Cam-Pu-Chia hồi hương. Vợ chồng tôi từ quê vào với 2 bàn tay trắng, vốn liếng không đáng kể, chỉ mua được một mảnh vườn nhỏ vừa dựng nhà ở tạm, vừa trồng cây”. Dần làm lụng và tích cóp, vợ chồng anh Vị mua được 4 công đất trồng mì và đi làm thuê. May mắn hơn cả là vào thời gian đó, anh cùng bà con ở vùng kinh tế mới biên giới lại được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Nhận 10 triệu đồng tiền vay từ chương trình hộ nghèo, vợ chồng anh Vị đầu tư vào việc đào mương thoát nước rửa phèn, mua giống mới, phân bón để trồng, chăm sóc cánh đồng mía rộng hơn 2ha. Ngoài việc thâm canh mía, anh Vị còn vay và sử dụng vốn của NHCSXH huyện Tân Châu khoan giếng lấy nước sạch sử dụng và chăm lo cho cô con gái lớn về thành phố học đại học kinh tế.
Cũng như Nguyễn Duy Vị, năm 1999, Trần Vũ Mạnh từ huyện Bình Lục (Hà Nam) vào Tây Ninh lập nghiệp, hiện đang là chủ cơ sở sản xuất các loại cây giống, đồng thời là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp Châu É, xã Tân Phú, huyện Tân Châu. Trên vùng đất mới những năm qua, anh Mạnh đã được vay vốn ưu đãi thuận lợi để tập trung khai phá đất đồi trồng cao su và vận động bà con trồng theo, anh tâm sự “mấy năm trước đây đời sống còn khó khăn nên chúng tôi vận động bà con trồng cây công nghiệp lâu năm là rất khó. Phần vì nhận thức, phần vì thiếu vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá, địa bàn Tân Phú là nơi thuận lợi phát triển cây công nghiệp, cùng với đó NHCSXH đẩy mạnh chương trình cho vay giải quyết việc làm, với số lượng vay bình quân 20 triệu đồng/hộ, nên chẳng mấy chốc khắp các đồi hoang, thửa ruộng quanh ấp, trong xã đã được phủ xanh bằng những rừng cao su xanh tốt”.
Sau mấy năm đầu vất vả, nay cây cao su đã mang lại thành quả ấm no cho người dân vùng kinh tế mới. Hiện nay, nhà nào cũng có ti vi để xem thời sự, học hỏi các kỹ thuật, giá cả cao su. Cả ấp không còn hộ đói. Riêng Tổ tiết kiệm và vay vốn do anh Vị làm Tổ trưởng có 47 thành viên tham gia, hiện tại có số dư nợ với NHCSXH hơn 1 tỷ đồng. Bà con sử dụng vốn vay ưu đãi trồng được 217ha cao su, xây dựng 112 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Điều đáng mừng hơn năm nào ở Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng có nhiều con em nông dân thi đậu các trường đại học, cao đẳng, năm sau cao hơn năm trước và hầu hết các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên dễ dàng, kịp thời.
Ông Đoàn Duy Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú nhận xét: Chúng tôi đánh giá cao về tác dụng của nguồn vốn chính sách và ý chí, tinh thần lao động của người dân trên vùng đất mới. 10 năm qua, NHCSXH đã cho bà con nơi đây vay tới 7 chương trình tín dụng ưu đãi với số tiền là 21,8 tỷ đồng. Hầu hết các hộ nghèo đã biết cách sử dụng vốn vay hợp lý, cùng với đức tính siêng năng, tiết kiệm nên đã làm cho phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển, có sức lan tỏa trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giáo dục, đã tạo điều kiện cho địa phương đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo và xây dựng Nông thôn mới.
Bài và ảnh H.H
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vai trò các hội, đoàn thể trong công tác giảm nghèo
- » CCB xã Đak Krong phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
- » Gương CCB thoát nghèo
- » Giúp hội viên phát triển kinh tế
- » Điểm sáng Thạch Thành
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3, xã Quỳnh Xuân với việc cho vay HSSV
- » Phụ nữ Ninh Bình với công tác uỷ thác cho vay vốn
- » Làm giàu ở vùng Đồng Tháp Mười
- » Niềm vui đổi đời
- » NHCSXH huyện Giao Thủy góp phần xây dựng Nông thôn mới