Hạ Long giảm nghèo bền vững

08/07/2013
(VBSP News) Gia đình anh Đỗ Minh Vương, thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) là một trong những hộ thoát nghèo tiêu biểu từ sử dụng nguồn vốn vay, tập trung phát triển các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho gia đình ở huyện Vân Đồn thời gian qua.
Mô hình trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Đỗ Minh Vương, thôn 7, xã Hạ Long (Vân Đồn)

Mô hình trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Đỗ Minh Vương, thôn 7, xã Hạ Long (Vân Đồn)

Anh Vương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, đã không có vốn làm ăn, vợ tôi lại ốm đau quanh năm nên chỉ quanh quẩn được với vài luống rau, chăn mấy con gà, vịt. Tôi thì làm thuê, làm mướn khắp nơi để đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và 3 đứa con ăn học”. Năm 2010, anh được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn này, anh mạnh dạn thuê thêm đất, mua giống, phân bón mở rộng diện tích trồng rau của gia đình. Do vợ chồng anh đều là những người ham việc, quần quật suốt ngày ngoài vườn rau nên rau phát triển khá tốt, cho năng suất cao. Giờ mỗi tháng gia đình anh cũng có thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng từ tiền bán rau, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước rất nhiều.

Hay như ở xã Vạn Yên, ai cũng nghe tiếng chị Lê Thị Bảy, thôn 10 thoát nghèo từ trồng cam. Chị Bảy chia sẻ: “Tôi được tham gia lớp dạy nghề trồng trọt do xã tổ chức. Tôi thấy những kiến thức được học rất hữu ích để áp dụng vào vùng trồng cam trong xã. Thuộc diện hộ nghèo nên gia đình tôi được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn NHCSXH. Với số tiền vay, tôi đã đầu tư vào trồng cam. Giờ vườn cam gia đình đã có trên 1.000 gốc, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu…”.

Trường hợp gia đình anh Vương, chị Bảy chỉ là hai trong hàng trăm hộ đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu trên địa bàn huyện Vân Đồn thời gian qua. Đồng chí Đặng Thu Hà - Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện cho biết: Huyện đã xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi vậy, hàng năm, huyện đều chỉ đạo các đoàn thể, đơn vị trên địa bàn tập trung tổ chức bình xét, rà soát hộ nghèo, đảm bảo đúng đối tượng để từ đó triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hộ nghèo giảm nghèo hiệu quả”.

Với những hộ cần vốn để sản xuất, chăn nuôi, các đoàn thể đứng ra tín chấp hỗ trợ hội viên vay vốn. Còn đối với những lao động có nhu cầu học nghề, huyện cũng tạo điều kiện tổ chức các lớp dạy nghề… Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, huyện còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại giống mới năng suất chất lượng cao vào thay thế dần các giống cũ của địa phương. Nhiều mô hình mới đã phát huy hiệu quả như: Trồng cây ba kích, nuôi lợn rừng, nuôi trồng thuỷ sản… Các hình thức huy động vốn, Tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế… được các tổ chức hội, đoàn thể duy trì tích cực, giúp hội viên nghèo có vốn phát triển kinh tế gia đình. Để hỗ trợ tu sửa, xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ nghèo, huyện cũng đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nguồn lực các đơn vị, tổ chức hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc để huyện Vân Đồn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong những năm tiếp theo. Qua đó, giúp nhiều hộ vượt qua cái nghèo, cái khó để vươn lên phát triển bền vững.

Nguyễn Hồng Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác