Mở hướng để thoát nghèo

08/07/2013
(VBSP News) Tỉnh Cà Mau có hơn 13.000 hộ cận nghèo, tổng nhu cầu vốn năm 2013 cho các đối tượng này trên 118 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn 1 của gói hỗ trợ này, Cà Mau được phân bổ 14 tỷ đồng. Hiện chi nhánh đang trình UBND tỉnh việc phân bổ vốn về các địa phương.
Nhờ vay vốn từ NHCSXH mà gia đình anh Nguyễn Văn Lộc, ấp 5, xã Trí Phải thoát nghèo

Nhờ vay vốn từ NHCSXH mà gia đình anh Nguyễn Văn Lộc, ấp 5, xã Trí Phải thoát nghèo

 Mở hướng mới

Điểm nổi bật nhất của Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg là lần đầu tiên hộ cận nghèo được vay với lãi suất ưu đãi. Quyết định của Thủ tướng quy định, lãi suất cho vay đối với đối tượng này bằng 130% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ.

Hiện nay, lãi suất cho vay hộ nghèo là 7,8%/năm, như vậy lãi suất cho vay hộ cận nghèo sẽ là 10,14%/năm. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ cận nghèo được thực hiện như đối với hộ nghèo.

Trước những ý kiến cho rằng, mức lãi suất này là cao so với khả năng của hộ cận nghèo, ông Nguyễn Mạnh Thiện - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau khẳng định, mức lãi suất này hiện vẫn thấp hơn lãi suất thị trường. Đây là chính sách lâu dài, nên hộ cận nghèo yên tâm tính toán phù hợp với lộ trình sản xuất, kinh doanh của mình để việc vay vốn mang lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Tuấn Sinh - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội, cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách giảm nghèo, Cà Mau có 9.627 hộ thoát nghèo nhưng có đến 4.950 hộ nghèo phát sinh mới. Hiện toàn tỉnh còn 29.430 hộ nghèo, chiếm 10,14%, giảm 2%.

Tuy nhiên, tính bền vững của giảm nghèo chưa cao, nguy cơ tái nghèo rất lớn. Một bộ phận khá lớn hộ cận nghèo có mức thu nhập chỉ nhỉnh hơn chuẩn nghèo. Như vậy, chỉ cần những biến động nhỏ về kinh tế, hoàn cảnh, rủi ro thì có khá nhiều hộ cận nghèo trở thành nghèo.

Toàn tỉnh còn khoảng 13.078 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao. Đây là những đối tượng tiềm lực kinh tế vẫn còn yếu, có thể tái nghèo. Theo quan điểm của các chuyên gia trong lĩnh vực giảm nghèo, một trong những nguyên nhân cơ bản gây tái nghèo là do các hộ cận nghèo thiếu vốn đầu tư sản xuất.

Để giảm nghèo bền vững

Bà Đào Thị Phượng - Chủ tịch UBND xã Trí Phải, huyện Thới Bình, cho hay, những năm qua, nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của địa phương, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 18% (năm 2005) xuống còn 8,3%, hiện cả xã có khoảng 105 hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, số hộ thoát nghèo trong xã chưa thực sự bền vững. Vì thực tế điều kiện kinh tế và kỹ năng sản xuất giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo chẳng khác nhau là mấy. Chỉ cần một rủi ro nhỏ trong sản xuất, hay gia đình có người đau ốm… là hộ cận nghèo có thể bị tái nghèo. Do vậy, các hộ cận nghèo trong xã rất cần được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban nhân dân ấp 3, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, bộc bạch, nhờ nguồn vốn uỷ thác từ NHCSXH mà nhiều hộ dân trong ấp có cuộc sống ổn định.

Tuy nhiên, nguồn vốn đã qua rất hạn chế, nên việc đầu tư phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Với thông tin về gói vốn ưu đãi mới, nhất định sẽ có sự chuyển biến nhanh từ những hộ cận nghèo, việc xoá nghèo sẽ có thêm cơ hội mới.

Tâm Như

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác