Xuân Phú thực sự thoát nghèo

05/07/2013
(VBSP News) Xuân Phú thuộc diện xã nghèo của huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Từ khi được sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các nguồn vốn giải quyết việc làm, nguồn vốn xóa nghèo, nguồn vốn ủy thác của địa phương... được tập trung vào một đầu mối là NHCSXH. Những nguồn vốn này đã giải ngân đến các đối tượng là hộ nghèo và hộ chính sách nên bộ mặt Xuân Phú đã khởi sắc, không còn cái cảnh nghèo nàn trước kia nữa.
Trồng bắp trên đất lúa để nâng cao thu nhập ở ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú

Trồng bắp trên đất lúa để nâng cao thu nhập ở ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú

Ngắm nhìn cảnh ruộng đồng bạt ngàn lúa, bắp cùng những ngôi nhà mới xây, mọc lên san sát, thay cho những căn nhà chòi, phên nứa tạm bợ, người dân xã Xuân Phú vui mừng trước sự trù phú của quê hương. Ông Huỳnh Công Phụng, 75 tuổi, cả đời người quẩn quanh làm ruộng ở ấp Bình Hòa, tâm sự: “Trước đây, thôn ấp hiu quạnh, đói nghèo bám riết lấy từng nhà. Bây giờ cảnh đó bị đẩy lùi rồi. Cuộc sống đang tươi vui dần không chỉ ở thôn ấp ven đường mà lan đến tận nơi chân núi, cửa rừng đó”. Quả đúng vậy, niềm vui lớn nhất đối với người dân Xuân Phú là thu nhập giờ đây đã cao hơn hẳn so với 4 - 5 năm trước, cái thời mà xã Xuân Phú còn thuộc vào diện nghèo khó nhất, nhì huyện Xuân Lộc.

Nói về chuyện nghèo của Xuân Phú trước đây, ông Nguyễn Trọng Quang - Bí thư Đảng uỷ xã cho rằng: “Xuân Phú gần như không có đất trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, mà chỉ có đất trồng lúa. Vì thế, thu nhập của bà con thua xa so với nhiều nơi khác trong huyện. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người khá thấp, với 11,9 triệu đồng/người/năm”.

Với xuất phát điểm thấp như thế, để có thể xóa nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới, Ban lãnh đạo xã Xuân Phú đã phải mất nhiều thời gian, suy nghĩ, bàn bạc tìm ra những giải pháp mang tính đột phá. Cuối cùng, xã đã thống nhất phải tập trung ngay vào việc vận động nhân dân dồn sức, tiền vốn, đặc biệt các hộ nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập và giảm nghèo nhanh.

Thực ra, không phải đến khi triển khai chương trình xóa nghèo, xây dựng Nông thôn mới, Xuân Phú mới bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà việc này đã được làm từ trước đó. Nhưng trước yêu cầu cấp thiết của chương trình, lại được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của NHCSXH huyện, chính quyền và các hội, đoàn thể xã Xuân Phú đã tổ chức chuyển đổi quyết liệt cơ cấu cây trồng trên địa bàn theo hướng giảm mạnh sản xuất lúa, đồng thời cây bắp lai đã được bà con tin tưởng đầu tư, “giao phó” cho sứ mạng này. Vào năm 2010, hầu hết hộ nông dân nghèo được vay vốn ưu đãi kịp thời để mua giống mới, vật tư phân bón đầu tư trồng bắp lai trên nhiều diện tích lúa của xã trong vụ Đông Xuân và đạt hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, tất cả những diện tích lúa còn lại cũng đã được vận động chuyển sang mô hình 2 lúa + 1 bắp hoặc 2 bắp + 1 lúa. Mô hình này đã nhanh chóng chứng minh được tính hiệu quả về mặt kinh tế.

Chị Cao Thị Nhung - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Bình Xuân khẳng định: “Tổ chúng tôi có 32/47 tổ viên sử dụng nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, bình quân mỗi hộ được vay 20 triệu đồng, đầu tư đưa bắp lai vào trồng trên đất lúa, đã cho kết quả cao, thu nhập gấp 3,5 - 4 lần so với cây lúa. Mỗi ha bắp đạt năng suất bình quân 10 - 12 tấn, doanh thu lúc cao nhất khoảng 70 triệu đồng/ha. Nhờ đó, thu nhập hộ gia đình tăng rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể”.

Bên cạnh đó, nhiều bà con còn sử dụng vốn vay ưu đãi chuyển sang trồng rau trên diện tích lúa năng suất thấp. Ở ấp Bình Long có hơn 30 gia đình vay vốn ưu đãi của chương trình hộ nghèo trồng được 7,8 lứa rau sạch mỗi năm trên 3 công đất, đạt danh thu bình quân 150 - 200 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn của NHCSXH hỗ trợ, toàn bộ 3.300ha đất sản xuất nông nghiệp ở Xuân Phú hiện đã đạt giá trị sản xuất bình quân 70 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trong đó, có 21.600ha đạt giá trị từ 140 triệu đồng/ha/năm.

Nếu so với giá trị sản xuất lúa bình quân trước đây là 42 triệu đồng/năm/ha thì đây là một thành tích rất đáng ghi nhận. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người ở Xuân Phú đã đạt 28,8 triệu đồng gấp 1,5 lần bình quân chung khu vực nông thôn của tỉnh Đồng Nai và gấp 2,41 lần so với trước khi thực hiện dự án sử dụng vốn chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Cao Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết, trong thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích hộ nghèo, kể cả hộ cận nghèo sử dụng vốn vay ưu đãi vào đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả nhân rộng ra toàn địa bàn. Qua đó, tạo đà cho việc thực hiện các công tác an sinh xã hội một cách bền vững, lâu dài và thiết thực hơn.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác