Hướng Hóa phát triển cây cao su

03/07/2013
(VBSP News) Để thoát nghèo và chống đói nghèo một cách bền vững, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tập trung nhiều nguồn lực, đặc biệt tăng trưởng nguồn vốn chương trình quốc gia giải quyết việc làm, đầu tư phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số 2 loại hình trồng cao su tiểu điền và đại điền.
Người dân Hướng Hóa đang vào mùa thu hoạch mủ cao su

Người dân Hướng Hóa đang vào mùa thu hoạch mủ cao su

Thực hiện chủ trương đó, từ năm 2006 đến nay, các hộ người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô dọc vành đai biên giới Việt - Lào đã được vay trên 10 tỷ đồng của NHCSXH để đầu tư trồng, chăm sóc vườn cao su. Ông Y Thanh ở xã A Xinh cho biết, chỉ với 20 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Hướng Hóa, đã trồng được 2ha cao su 7 năm tuổi, bây giờ cây cao su phát triển tốt cho nhiều mủ, giúp gia đình ông đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, lại làm được nhà mới, mua thêm 4 con bò lai Sin, cho con vào TP. Huế học hành tử tế. Chủ tịch xã A Xinh, chị Hồ Thị Lúa nói: “Cả xã vùng cao biên giới này có 7 thôn, thôn nào cũng thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn và đã bình xét cho 277 hộ người Pa Cô, Vân Kiều vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm để trồng cao su tiểu điền, với mức vay 20 triệu đồng/hộ trồng cao su. Một số hộ đã sử dụng hàng trăm triệu đồng vốn ưu đãi trồng cao su theo mô hình trang trại. Hiện xã có hơn 500ha cao su 6 năm tuổi trồng theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp đang có các chỉ số sinh trưởng tốt.

Chị Hồ Thị Thanh, trú tại thôn A Cha, xã A Xinh - một trong những gia đình trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng yếu sức do ảnh hưởng chất độc màu da cam, con cái còn nhỏ dại, nhưng nhờ đồng vốn ưu đãi làm “bà đỡ” nên gia đình đã trồng được 2ha cao su đang cho khai thác mủ, năm 2012 thu về hơn 200 triệu đồng, gia đình không còn túng thiếu. Chị có dự định thanh toán hết nợ với ngân hàng sau đợt bán mủ cao su vào tháng 10 năm nay.

Ở xã A Dơi có 320ha cao su xanh tốt, đang cho khai thác mủ khiến cho bà con dân tộc mừng ra mặt. Chủ tịch xã Hồ Văn Toàn phấn chấn nói: “Cùng với các chương trình tín dụng khác, chương trình cho vay giải quyết việc làm đến với xã A Dơi làm tăng tổng dư nợ với NHCSXH lên 17 tỷ đồng, góp phần đưa nơi đây thành “thủ phủ” cao su của huyện Hướng Hóa. Nhiều gia đình Vân Kiều, Pa Cô nhờ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển cây cao su mà họ đã được đổi đời”.

Ông Nguyễn Ngọc Sắc - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá cho biết: Chủ trương của huyện là cùng với phát triển cao su đại điền, sẽ tập trung nhiều nguồn lực đẩy mạnh cao su tiểu điền, quyết tâm mỗi năm trồng thêm 200ha, và mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số có 1ha cao su, để đến năm 2015 đạt 2 nghìn ha cao su. Hiện tại toàn huyện có trên 1 nghìn ha cao su tiểu điền. UBND huyện đã quyết định trích 3 tỷ đồng hỗ trợ khai hoang cho các xã giáp danh biên giới kịp làm đất cao su và NHCSXH huyện đã kịp thời giải ngân vốn giải quyết việc làm cho các dự án mà địa phương đã phê duyệt. Đồng bào dân tộc thiểu số mong muốn NHCSXH tiếp tục đầu tư, hỗ trợ chủ trương phát triển cây cao su vùng cao biên giới Hướng Hóa - Quảng Trị.

Bài và ảnh Yên Thành

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác