Nấm Phú Lương vươn xa

27/06/2013
(VBSP News) Thời gian qua, cây nấm không chỉ tham gia xóa nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân lúc nông nhàn, mà còn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đổi thay diện mạo vùng quê Phú Lương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế).
TTrung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các công đoạn sản xuất giống nấm sò

Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các công đoạn sản xuất giống nấm sò

Toàn xã Phú Lương hiện có tới 600 hộ dân theo nghề trồng nấm, tập trung tại thôn Lê Xá Đông với 247 hộ. Để có đủ nguồn vốn phục vụ phát triển nghề trồng nấm, ngoài việc huy động từ nguồn tích lũy của mỗi gia đình, các hộ còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hàng tỷ đồng. Các loại nấm mang lại giá trị kinh tế cao như: nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm và linh chi…
Ông Phan Hiển, thôn Lê Xá Đông, một hộ dân sử dụng 20 triệu đồng vốn vay của chương trình giải quyết việc làm vào trồng nấm thành công nhiều năm qua cho biết: “Những năm trước, khi nghề trồng nấm chưa thịnh như bây giờ, bà con phải về các vùng xa thuê đất thêm để trồng lúa hay ra thị trấn làm mướn đủ các việc, giờ nhờ nguồn vốn ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm hỗ trợ, bà con đã có nghề trồng nấm “lận lưng”, không còn lo thiếu trước, hụt sau nữa”. Được biết, hộ ông Hiển đã vay 20 triệu đồng của NHCSXH cách đây 3 năm, trồng được 4 vòm nấm rơm, mỗi vòm với 500 bịch, thu hơn 60 kg nấm; tính thành tiền 6 triệu đồng/vòm. Theo ông Hiển, lợi thế của việc vay vốn ưu đãi để trồng nấm thương phẩm là bà con có thể trồng quanh năm và tận dụng nguyên liệu của những cánh đồng lúa nước (rơm rạ) để sản xuất nấm rơm. Với loại nấm rơm, gia đình ông cùng bà con lối xóm đã làm tới 12 lứa và có nguồn thu đều đặn ổn định quanh năm, kể cả lúc nông nhàn.
Ngoài nấm rơm, nông dân xã Phú Lương còn sử dụng vốn vay của NHCSXH phát triển sản xuất các loại nấm khác như linh chi, mộc nhĩ…, phục vụ bán làm thực phẩm, dược liệu. Nấm Phú Lương đang có thương hiệu, chủ yếu tiêu thụ ở các chợ lớn nhỏ trong, ngoài tỉnh. Ông Hồ Kiên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Vĩnh Hà cho hay: “Hầu hết các thành viên trong tổ chúng tôi, 41 hộ được nguồn vốn vay ưu đãi và kỹ thuật trồng hỗ trợ đã phát triển nghề sản xuất nấm, đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trồng nấm lãi gấp 5 lần so với trồng lúa. Nguồn thu ổn định từ cây nấm đã giúp khá nhiều hộ thoát cảnh nghèo khó, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập bên cạnh thâm canh cây lúa, rau màu”.
Ông Tổ trưởng dẫn chứng trường hợp gia đình chị Lê Thị Vịnh đã vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi để mua phôi nấm giống, làm vòm và sử dụng 10 tạ rơm là nguyên liệu có sẵn trong gia đình mình đầu tư sản xuất 4 vòm nấm, kiếm được cả trăm triệu đồng/năm. Không chỉ có chị Vinh mà nhiều bà con khác ở Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như trong thôn, xã đang có cuộc sống dư dả hơn nhờ vay vốn ưu đãi phát triển nghề trồng nấm.
Với người làm nấm ở Phú Lương, NHCSXH được xem như “bà đỡ” của nông dân nghèo. Hơn 600 hộ dân tham gia trồng nấm, đồng vốn ưu đãi đã góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho họ. Mỗi năm, toàn xã xuất bán gần 100 tấn nấm các loại, thu hàng chục tỷ đồng.
Để tiếp tục phát triển nghề sản xuất nấm thương phẩm cho bà con nông dân, NHCSXH huyện Phú Vang có kế hoạch tăng nguồn vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ kịp thời tới từng đối tượng được thụ hưởng. Ông Hồ Diệm - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết: “Hiện nay, xã đang phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và Trung tâm dạy nghề của huyện cho vay vốn ưu đãi, mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm linh chi, mộc nhĩ cho các hộ dân. Bên cạnh đó, địa phương xúc tiến quảng bá thương hiệu sẵn có, mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp và phát triển mô hình trồng nấm xóa nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương”.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác