“Lối mở” cho hộ cận nghèo
Theo đó, mức cho vay đối với hộ cận nghèo do NHCSXH và hộ cận nghèo thỏa thuận, nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Từ trước đến nay, mỗi hộ nghèo được vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, với lãi suất 0,65%/năm. Nhưng vốn hộ cận nghèo, lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Nghị - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội cho biết: Tiêu chí để phân biệt hộ nghèo và cận nghèo đã được quy định rõ, tuy nhiên ranh giới phân biệt hết sức mong manh. Chỉ với những lý do hết sức đơn giản, như: mất mùa, dịch bệnh trong sản xuất, chăn nuôi… hộ cận nghèo có thể tái nghèo bất cứ lúc nào. Việc triển khai Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ được xem như “lối mở” của gần 8 nghìn hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay, giúp họ có nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Cụ thể, theo quy định, tại khu vực nông thôn, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống được xét là hộ nghèo, còn đối với hộ cận nghèo con số này chỉ cao hơn 1.000 đồng (tức là 401.000 đồng). Sự khác biệt không lớn này khiến các hộ cận nghèo gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình cho vay, chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất, ổn định kinh tế. Việc Chính phủ ra Quyết định số 15 vừa qua không chỉ được xem là “lối mở” của gần 8 nghìn hộ cận nghèo tỉnh Điện Biên nói riêng, hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo cả nước nói chung mà còn góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa nghèo của các địa phương.
Tại xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, hiện có 45 hộ cận nghèo nhưng với chính quyền địa phương thì đây là “bài toán khó” trong công cuộc thực hiện mục tiêu xóa nghèo ở địa phương. Ông Hà Minh Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhiều năm qua xã chưa có biện pháp nào để giúp đỡ các hộ cận nghèo có nguồn lực phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Trên thực tế, nhiều hộ cận nghèo luôn còn tình trạng đứt bữa. Sau khi nhận được thông tin hộ cận nghèo sẽ được vay vốn ưu đãi, không chỉ người dân mà các cấp Lãnh đạo chúng tôi hết sức vui mừng vì từ nay có thêm nguồn lực để bà con vươn lên cải thiện cuộc sống. Hiện chúng tôi đã triển khai xuống các bản để bà con nắm bắt được thông tin tới đăng ký” - Ông Hiền cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Sùng Sáu Mua, thôn Lồng Sử Phình, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, cho biết: “Khi nghe cán bộ triển khai thông tin hộ cận nghèo được vay vốn của ngân hàng bà con vui lắm. Đây là niềm mơ ước của không chỉ gia đình tôi mà của tất cả hộ cận nghèo trong xã. Hiện nay, tôi đã đăng ký với xã và đang chờ để được vay vốn”. Anh Mua chia sẻ thêm, nếu được vay vốn, anh sẽ đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng chè, cải thiện kinh tế gia đình.
Thông tin từ NHCSXH tỉnh Điện Biên, được biết, hiện nay đơn vị đang chỉ đạo các Phòng giao dịch phối hợp với chính quyền địa phương rà soát số hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn, để trên cơ sở đó lập báo cáo gửi NHCSXH Việt Nam có kế hoạch hướng dẫn và phân bổ nguồn vốn cho địa phương. Mục tiêu của ngân hàng là sẽ cố gắng tạo điều kiện và đáp ứng nhu cầu vay vốn của tất cả những hộ cận nghèo, để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.
Giang Nam
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín chấp vay vốn giúp hội viên thoát nghèo, làm giàu
- » Những nỗ lực thoát nghèo của người dân Đức Trọng
- » Chàng trai làm giàu từ chăn nuôi
- » Lục Nam phá thế thuần nông
- » Người phụ nữ Hrê sử dụng vốn vay để thoát nghèo
- » Nâng cao ý thức tiết kiệm, giúp thoát nghèo
- » Đưa nguồn vốn ưu đãi đến người nghèo ở Xuân An
- » Đồng hành cùng phụ nữ thoát nghèo
- » Cựu chiến binh huyện Phú Tân: Đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế
- » Vốn vay ưu đãi đến với hộ cận nghèo ở Đam Rông