Thêm điểm tựa vững chắc cho hộ cận nghèo
Một thực tế cho thấy đối với nhiều hộ cận nghèo, nguy cơ tái nghèo vẫn còn “rình rập”. Năm 2009, gia đình chị Triệu Thị Thúy là một hộ cận nghèo của thôn Pắc Khoang, xã Hồng Thái (Na Hang). Sau khi được vay vốn 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện, chị đã đầu tư vào chăn nuôi trâu sinh sản. Nhờ chăm chỉ lao động cùng với việc có nguồn vốn ban đầu như một “đòn bẩy” thực sự, từ chỗ chưa có gì đến năm 2011 gia đình chị đã có đàn trâu lên đến 5 con, cùng với đó là chăn nuôi gà và lợn. Thu nhập kinh tế cũng phần nào khá hơn, gia đình chị Thúy thực sự thoát nghèo. Nhưng có lẽ chừng ấy là chưa đủ để kinh tế gia đình chị ổn định lâu dài. Chị Thúy cho biết: Tuy đã phần nào no đủ nhưng thực sự gia đình chị vẫn đang cố gắng phát triển kinh tế hơn nữa để nâng cao chất lượng cuộc sống, bỏ xa hẳn cái đói nghèo theo đuổi đã nhiều năm nay. Vừa qua, sau khi trả hết nợ vay hộ nghèo, chị Thúy đã tiếp tục vay thêm 15 triệu từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Na Hang cho đối tượng hộ cận nghèo để tiếp tục đầu tư vào nuôi trâu sinh sản, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn vay. Cùng với hoàn cảnh như chị Thúy, chị Đặng Thị Diếu ở thôn Nà Kiếm, xã Hồng Thái (Na Hang) cũng đã thoát nghèo từ cuối năm 2012. Năm nay, gia đình chị quyết định vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay dành cho hộ cận nghèo để đầu tư vào chăn nuôi bò thương phẩm với hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo một cách bền vững.
Vừa qua, NHCSXH Việt Nam đã phân bổ đợt 1 chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo cho NHCSXH tỉnh số tiền 18 tỷ đồng. Trong đó, NHCSXH huyện Na Hang 3 tỷ đồng; Lâm Bình 1 tỷ đồng; Sơn Dương 4 tỷ đồng; Hàm Yên 3 tỷ đồng… Ông Trương Văn Bình - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Việc triển khai chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo đã được chi nhánh thực hiện với tiến độ nhanh, gọn, theo đúng quy trình, cho vay đúng mục đích, đối tượng. NHCSXH đã thực hiện việc giải ngân kịp thời để người dân được sớm tiếp tục sử dụng nguồn vốn chính sách theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, số tiền trên đây cơ bản mới chỉ giúp cho 7% số hộ cận nghèo trên tổng số 25.711 hộ trên địa bàn tỉnh. Bởi nhu cầu vay vốn của hộ cận nghèo ở tỉnh ta ước tính khoảng 277 tỷ đồng. Qua giai đoạn đầu triển khai chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo, đã có những tín hiệu đáng mừng. Các NHCSXH huyện, thành phố, thị xã đã đẩy nhanh tiến độ và cơ bản hoàn thành việc giải ngân cho các hộ gia đình vay thông qua các tổ chức hội ủy thác.
Ông Nông Ngọc Lâm - Giám đốc NHCSXH huyện Na Hang cho biết: Thực hiện chính sách này, NHCSXH huyện đã phối hợp với các phòng, ban liên quan, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực triển khai công tác thông tin tuyên truyền để các hộ cận nghèo hiểu rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước. Qua thông tin tuyên truyền các hộ gia đình đã nhận thức đầy đủ, nắm bắt được những điểm lợi thế trong lãi suất và kì hạn cho vay nên đã mạnh dạn đăng kí vay vốn để đầu tư làm ăn, sản xuất, kinh doanh.
Triển khai cho vay hộ cận nghèo là một chương trình tín dụng được NHCSXH Việt Nam đánh giá là mang lại nhiều hiệu quả cao trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Đây là một trong những chủ trương, chính sách mang tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta trong việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là các gia đình thuộc diện hộ cận nghèo có được “điểm tựa” chắc chắn hơn, vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Mạnh Thái
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giảm nghèo hiệu quả
- » Đồng vốn “gõ cửa” người nghèo
- » Hiệu quả nguồn vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở Nghi Lộc
- » Điểm tựa của nhà nông đất quế
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 9 là chỗ dựa, nơi bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nghèo
- » Hướng Hóa đi lên từ cây sắn
- » Thanh niên vùng sâu Đắk Lắk vươn lên làm giàu
- » Hội Cựu chiến binh thị xã Vĩnh Châu giúp hội viên xóa nghèo
- » Hiệu quả nguồn vốn vay ở Cắm Muộn
- » Vai trò của Tổ tiết kiệm và vay vốn phố Bằng trong phát triển kinh tế