Hiệu quả nguồn vốn vay ở Cắm Muộn
Chị Lang Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, xã có gần 600 hội viên sinh hoạt ở 12 chi hội, trong đó chủ yếu là chị em dân tộc Thái, Khơ mú. Đất canh tác ít, đời sống gia đình chị em gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đó, làm sao để những hội viên sử dụng có hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi luôn là điều trăn trở. Trước tình hình đó, hội đã tổ chức 60 buổi tập huấn làm kinh tế gia đình cho trên 1.000 lượt hội viên tham gia, đồng thời giới thiệu kinh nghiệm của các mô hình sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả trong xã để chị em học tập. Mặt khác, hội còn phối hợp với ban cán sự 12 thôn, bản giúp hàng chục gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ về giống cây, con, kiến thức phát triển nghề phụ. Từ những cách làm đó, ngoài các hình thức như xây dựng quỹ tín dụng tiết kiệm, hiện hội đang quản lý gần 5 tỷ đồng nguồn vốn từ NHCSXH cho 243 hội viên vay. Qua thẩm định, 90% số chị em được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị Chị Vi Thị Viết ở bản Ná Cho hết sức thiếu thốn. “Cái khó bó cái khôn” nên muốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi cũng đành chịu vì không có vốn. Năm 2011, qua Hội Phụ nữ xã, chị được vay hơn 10 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện để làm ăn. Có tiền, chị đầu tư mua vịt bầu về nuôi. Từ đó đến nay, chị đã bán được nhiều lứa, đã hoàn trả được cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng và sắm được tiện nghi sinh hoạt trong nhà, cuộc sống gia đình được cải thiện dần. Cùng cảnh như chị Viết, chị Lữ Thị Thân ở bản Mòng 2 vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi lợn nái. Cũng nhờ học hỏi kinh nghiệm ở các chị đi trước nên 3 con lợn nái nhà chị đẻ được nhiều lứa an toàn và mau lớn. Không những hoàn trả được vốn mà chị còn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Nhiều chị vay vốn để phát triển nghề phụ, cải thiện thu nhập như dệt thổ cẩm, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia cầm… có hiệu quả. Điển hình như các chị: Lô Thị Thân, Vi Thị Điệp ở bản Mòng 3, Chị Lan, chị Đại ở bản Mòng 2, chị Vi Thị Hoài ở bản Phả Phạt. Đối với những chị vay vốn nhưng “bí” cách làm ăn, Hội Phụ nữ xã phối hợp Trung tâm khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất.
Hiện nay toàn xã Cắm Muộn có 3.700 con trâu bò, 850 con dê, gần 4.000 con lợn, 12 nghìn con vịt, hơn 20 nghìn con gà đang được các hộ do chị em phụ nữ làm chủ chăn nuôi. Ông Lữ Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp các hộ thoát nghèo, nhưng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã giúp hàng trăm hộ ở đây cải thiện đời sống. Điều đó có tác động tích cực đến việc xã đang vận động những người bỏ nghề phu vàng trên Pù Huống về làm kinh tế gia đình. Những kết quả đó của là rất đáng ghi nhận”.
Bài và ảnh Việt Long
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vai trò của Tổ tiết kiệm và vay vốn phố Bằng trong phát triển kinh tế
- » Ba anh em họ Dương nuôi ếch Thái hiệu quả
- » Vốn ưu đãi giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
- » Thanh niên tại tỉnh Thanh Hóa vay vốn ưu đãi để xóa nghèo
- » Nâng cao chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang
- » Phát huy vai trò chuyển tải vốn tín dụng chính sách
- » Tạo sức bật cho hộ nghèo thoát nghèo
- » Dê núi Cúc Phương
- » Hội nghị Triển khai công tác Văn phòng ngành Ngân hàng
- » Điển hình nông dân Khmer sử dụng vốn ưu đãi vượt khó thoát nghèo