Dê núi Cúc Phương

19/06/2013
(VBSP News) Tuy ở trên địa bàn miền núi rộng lớn, sát kề với khu bảo tồn quốc gia Cúc Phương nhưng xã Văn Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) lại có rất ít đất canh tác nông nghiệp. Vốn liếng sản xuất thiếu thốn trầm trọng. Ngay cả đồng cỏ tự nhiên dùng cho chăn nuôi trâu bò cũng bị thu hẹp vì nằm trong quy hoạch trồng rừng, quản lý rừng... Trước những khó khăn bộn bề đó, những người dân nơi đây vẫn trăn trở tìm cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nhằm thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đàn dê núi tạo đà cho bà con nông dân làm giàu

Đàn dê núi tạo đà cho bà con nông dân làm giàu

 Ảnh: Phương Đông 

Để hỗ trợ thêm nguồn lực cho người nông dân vượt qua khó khăn, thời gian qua, NHCSXH huyện Nho Quan đã triển khai đồng loạt các chương trình tín dụng ưu đãi đến những vùng quê mà tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Đến nay, xã thông Bồng Lai, xã Văn Phương đã có 82 hộ dân tộc Tày được thụ hưởng nguồn vốn tiếp sức chuyển đổi sản xuất, đầu tư chăn nuôi dê. Riêng ông Trưởng thôn Đinh Thế Trượng đã sử dụng 8 triệu đồng vay từ chương trình hộ nghèo để mua 2 cặp dê nái về chăn thả tại dãy núi đá phía sau nhà. Do biết cách chăm sóc, sau 3 năm đàn dê của ông đã tăng lên 40 con và hiện tại ông có 1 trang trại dê thịt, dê giống hơn 300 con. Từ nghèo khó, đến nay gia đình ông Trượng đạt mức thu nhập 100 - 150 triệu đồng/năm.

Ông Trượng khẳng định: “Xuất phát từ món vay vốn hộ nghèo của NHCSXH từ năm 2007, gia đình tôi đã chuyển đổi đúng hướng sang nuôi dê nên mới thoát được nghèo, xây được nhà ở khang trang và lập trang trại chăn nuôi như hiện nay. Tôi luôn luôn vận động, trao đổi kinh nghiệm, sử dụng vốn vay, kinh nghiệm làm ăn tới bà con trong thôn xóm để cùng nhau phát triển nghề nuôi dê trên núi đá mau chóng ổn định cuộc sống”.

Theo gương ông Trưởng thôn Đinh Thế Trượng, anh Đinh Văn Dậu đã vay vốn NHCSXH hai lần liên tiếp với số tiền 62 triệu đồng để lập trang trại dê. Từ 5 con dê nái nuôi năm 2008, nay trại dê của anh có 200 con. Năm 2012, chỉ riêng số dê thịt, ông đã bán được 48 con thu về ngót 70 triệu đồng. Hay như gia đình bà Hoàng Thị Mỹ người cùng thôn Bồng Lai, do áp dụng kỹ thuật chăm sóc đàn dê theo sách báo và quay vòng vốn vay ưu đãi hợp lý nên đã chuyển từ nuôi bò không hiệu quả sang nuôi dê nái, dê giống, đạt mức thu nhập150 - 200 triệu đồng/năm. Trại dê giống của bà Mỹ được khách hàng trong, ngoài tỉnh tìm đến tận nơi để mua với số lượng lớn.

Được biết, xã Văn Phương là đơn vị khách hàng của NHCSXH suốt 10 năm qua, tổng dự nợ đạt 19,7 tỷ đồng, trong đó hơn 1/2 số vốn vay được sử dụng vào mục đích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kể cả việc phát triển chăn nuôi dê vùng núi đá của bà con dân tộc Tày, thôn Bồng Lai. Đây là một hướng đi đúng trên con đường xóa nghèo nhanh, bền vững ở nông thôn.

Thành Đại

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác