Kết quả thực hiện chương trình 167 tại Đakrông
Đồng chí Hồ Thị Cúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên phần đông những hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động xây dựng nhà ở, huy động thêm tiền, gỗ và công sức của người thân. Nhìn chung nhà có kết cấu vững chắc, đẹp, rộng rãi, thoáng mát, mái tôn, vách và sàn làm bằng gỗ, có nhà trị giá trên 30 triệu đồng. Riêng đối với những hộ neo đơn, huyện chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể trợ giúp và kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ nên nhà có hệ thống cột bằng bê tông, cốt thép hoặc gỗ, mái lợp bằng fibroximăng, sàn và vách bằng gỗ chi phí khoảng 20 triệu.
Theo báo cáo của Ban điều hành 167 tỉnh Quảng Trị, sau khi khảo sát, rà soát kỹ toàn tỉnh có 4.181 hộ được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 1.920 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cho đến nay tất cả các hộ đều được hỗ trợ kinh phí với mức các hộ nghèo thuộc các xã vùng khó khăn là 8,4 triệu đồng, vùng không khó khăn là 7,2 triệu đồng, các hộ được vay ưu đãi vốn từ NHCSXH tối đa 8 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Đức Chính - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng ban điều hành 167 của tỉnh nhấn mạnh: các cấp, các ngành đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách đến tận người dân, tổ chức bình xét, phân loại đối tượng thụ hưởng đúng với quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Đặc biệt đã thực hiện nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tham gia đóng góp nên chất lượng nhà ở đạt yêu cầu đề ra. Nhờ vậy đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo có nơi ăn, chốn ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015, gọi tắt là chương trình 167 giai đoạn 2 triển khai từ tháng 1/2013. Nắm vững chủ trương này, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo trong năm 2013 thực hiện hoàn thành dứt điểm việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn cũ. Đồng thời tiến hành rà soát lại một lần nữa, lập đầy đủ và chính xác danh sách hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo chuẩn mới để làm cơ sở cho việc xây dựng đề án.
Từ thực tế, tỉnh cũng kiến nghị với Trung ương khi triển khai giai đoạn 2 cần nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng nhà ở lên 30 đến 35 triệu đồng/nhà, đề nghị bổ sung hỗ trợ đối với những hộ nghèo có khó khăn về nhà ở hiện đang cư trú tại các thị trấn, thị xã, thành phố nhưng sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…
Bá Thuần
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phụ nữ Bản Lầu giúp nhau xóa nghèo
- » Đắk Glong đưa vốn ưu đãi đến với dân nghèo
- » Giúp hội viên thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
- » Anh Lò Văn Hùng tấm gương xóa nghèo ở Phiêng Pằn
- » Phát triển kinh tế nhờ vốn chính sách
- » Cứu cánh của người nghèo
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đình Phùng hoạt động hiệu quả
- » Quản Bạ khai thác tiềm năng
- » Chị Huỳnh Thu Nguyệt đã thoát nghèo
- » Quan tâm giảm nghèo