Phát triển kinh tế nhờ vốn chính sách

14/06/2013
(VBSP News) Tuy là xã biên giới nhưng Ia Krêl, huyện Đức Cơ (Gia Lai) không hiếm nông dân thu nhập ở ngưỡng trăm triệu đồng mỗi năm, đặc biệt tỷ lệ hộ nông dân người Jrai thu nhập khá tăng lên mỗi năm. Có được kết quả này là nhờ xã đã và đang hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày và biết phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi...
Người dân sử dụng vốn ưu đãi để đầu tư phát triển cây cà phê

Người dân sử dụng vốn ưu đãi để đầu tư phát triển cây cà phê

 Nằm dọc theo quốc lộ 19B, xã Ia Krêl có 12 thôn làng thì chiếm một nửa trong số đó là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 96% trong cơ cấu kinh tế.

Để kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, giúp nông dân có đời sống ổn định, thoát khỏi đói nghèo, cấp ủy và chính quyền xã Ia Krêl hoạch định hướng đi đúng đắn, phù hợp với tiềm lực, năng lực thực tế. Việc huy động các nguồn lực để phát huy vai trò chủ thể của nông dân phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông nghiệp - nông thôn trong thời kỳ đổi mới là vô cùng cần thiết.

Trên cơ sở phối hợp với NHCSXH huyện Đức Cơ, từ năm 2007, Hội Nông dân xã Ia Krêl trở thành đầu mối cơ sở ủy thác tín dụng, thành lập và quản lý 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ các chương trình cho vay lên đến 4,4 tỷ đồng. Nhờ đó đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điển hình như chi hội Ia Lâm kết nghĩa với chi hội làng Khop, chi hội Thanh Tân với chi hội làng Ngo Rong. Để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng đạt hiệu quả, hội đã phối hợp với công ty phân bón tổ chức chương trình mua phân trả chậm nhằm hỗ trợ hội viên giảm gánh nặng về chi phí đầu tư; tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi; hỗ trợ giống cao su, giống lúa, mắt ghép cà phê cải tạo vườn tạp theo chương trình khuyến nông hàng năm…

Được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình, hoạt động của hội, cộng thêm nguồn vốn chính sách ưu đãi nên nhiều hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đơn cử như gia đình ông Rmah Gioch - làng Ngo Leh I. Cũng như nhiều gia đình người Jrai khác, ông có 6 đứa con, kinh tế chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, đậu, mì. Tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đức Cơ cho vay 10 triệu đồng.

Có đồng vốn trong tay, ông Gioch mạnh dạn đầu tư trồng cao su, cà phê. Nhờ siêng năng, cần cù lao động lại biết học hỏi làm ăn từ các hội viên khác, kinh tế gia đình ông ngày một tốt hơn. Chia sẻ kinh nghiệm làm nông, ông Gioch cho biết: “Khi có tiền ngân hàng trong tay, ngay cả 1 bao gạo mình cũng không dám mua ăn vì sợ hết vốn. Tiền Nhà nước cho vay, mình phải làm đúng mục đích chứ không tiêu xài hết”. Sau nhiều năm bám đất, gia đình ông có trong tay hơn 1,5ha cao su, 2ha cà phê, 4ha điều. Năm 2013, gia đình ông Gioch đã không còn vay vốn từ chương trình hộ nghèo, thay vào đó, ông tiếp tục vay 30 triệu đồng chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH. Có vốn, ông Gioch tính trồng thử 50 trụ tiêu để coi kết quả ra sao rồi mới trồng thêm.

Đây là tín hiệu đáng phấn khởi bởi bà con nông dân đã biết tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bà con biết tận dụng và phát huy nguồn vốn từ NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo và làm giàu chính đáng…

Sơn Ca

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác