Quan tâm giảm nghèo

13/06/2013
(VBSP News) Thời gian qua, lãnh đạo huyện Long Mỹ (Hậu Giang) luôn thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo để nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hoàn thành tiêu chí hộ nghèo ở các xã xây dựng nông thôn mới.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bé Sáu ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn thoát nghèo nhờ mô hình nuôi lươn hiệu quả

Gia đình bà Nguyễn Thị Bé Sáu ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn thoát nghèo nhờ mô hình nuôi lươn hiệu quả

Đầu năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Long Mỹ chiếm 19% tổng số hộ dân của địa phương, đến cuối năm 2012, qua điều tra khảo sát, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,7%. Đạt được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực từ các ban ngành, đoàn thể và nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của các hộ dân.

Để thực hiện tốt công tác xóa nghèo, UBND huyện không ngừng quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong năm 2012, huyện mở 54 lớp đào tạo nghề, gồm các ngành nghề, như: may gia dụng, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, sửa xe gắn máy… Kết quả, hơn 1.718 lao động được học nghề và có việc làm ổn định. NHCSXH huyện đã cho gần 3.000 hộ nghèo vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng để thực hiện các mô hình giảm nghèo. Bên cạnh đó, học sinh là con em của hộ nghèo được miễn, giảm học phí… Ngoài ra, địa phương còn tiến hành vận động nguồn vốn từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp để thực hiện công tác xóa nghèo. Cụ thể năm 2012, đã vận động Quỹ vì người nghèo - an sinh xã hội được 75 tỷ đồng thực hiện các công trình, như: xây nhà tình thương, làm đường giao thông nông thôn, bắc cầu, tu sửa phòng, lớp ở các trường học… Từ những nỗ lực trên, cuối năm 2012, toàn huyện có 2.042 hộ thoát nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Tuy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được kéo giảm đáng kể, nhưng để đảm bảo theo quy định về tiêu chí hộ nghèo ở các xã xây dựng nông thôn mới thì địa phương đối mặt không ít thách thức. Cụ thể đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của hai xã được tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới là Thuận Hưng và Vĩnh Viễn còn khá cao. Tỷ lệ hộ nghèo xã Thuận Hưng là 8,05% và Vĩnh Viễn là 12,6%. Vì vậy, để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7% theo quy định của tiêu chí nông thôn mới thì nhiệm vụ xóa nghèo, nâng cao thu nhập của người dân càng được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện thường xuyên. Anh Thái Vĩnh Tân, cán bộ giảm nghèo xã Vĩnh Viễn, cho biết: “Ngoài xét vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, vận động người dân tham gia các lớp đào tạo nghề, thì chúng tôi còn thực hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả và khuyến khích người dân tham gia, như: chăn nuôi, trồng rau màu, sản xuất lúa giống… Đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất nhằm ổn định cuộc sống. Từ đó, giúp mọi người có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”.

Được sự vận động, hỗ trợ của địa phương, năm nay, gia đình chị Huỳnh Thị Nghi ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn sẽ thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm để cải thiện thu nhập. Chị Nghi chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, hàng ngày hai vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống. Vì vậy, thu nhập rất bấp bênh. Do đó, khi được địa phương xét cho vay 10 triệu đồng, tôi dự định sẽ dùng số tiền này để mua cá thát lát cườm về nuôi, hy vọng có thể thoát nghèo”.

Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn kịp thời, nên đời sống của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện. Thời gian qua, nhiều hộ dân thuộc diện hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thành hộ đủ ăn và có tích lũy vốn. Theo bà Nguyễn Thị Bé Sáu ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, được địa phương xét cho vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, nên gia đình bà có điều kiện thực hiện các mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, khi tham gia vào Hội Phụ nữ xã, bà Sáu còn được các chị em trong hội hướng dẫn nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Chính vì vậy, khi được vay vốn thì gia đình bà đã đầu tư vào mô hình nuôi lươn. Khi nuôi lươn, bà Sáu chỉ tốn tiền con giống lúc đầu, còn thức ăn thì kiếm trong tự nhiên, như: cá, ốc bươu vàng, nên tiết kiệm được chi phí. Vì vậy, thu lợi nhuận tương đối khá. Sau nhiều năm phấn đấu, chí thú làm ăn, gia đình bà Sáu đã vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2012.

Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo cả huyện nói chung, từng bước hoàn thành tiêu chí này ở các xã xây dựng nông thôn mới nói riêng, lãnh đạo huyện Long Mỹ đang tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo. Ông Bùi Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: “Một trong những giải pháp mà chúng tôi tập trung thực hiện là hỗ trợ vốn cho hộ nghèo làm ăn thông qua việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Đồng thời, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở theo Quyết định 167 để mọi người có nơi ở ổn định, an cư lạc nghiệp, từ đó tạo điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xóa nghèo để mọi người có ý thức phấn đấu và vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Có như vậy, công tác xóa nghèo mới phát huy hiệu quả một cách tích cực”.

Bằng nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ người dân, tin rằng công tác xóa nghèo ở huyện Long Mỹ sẽ đạt nhiều kết quả khả quan trong thời gian tới.

Bích Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác