Nhiều thanh niên lập nghiệp từ kinh tế trang trại

12/06/2013
(VBSP News) Theo thống kê, khu vực miền núi phía Bắc hiện có 1.032 mô hình trang trại trẻ do các đoàn viên thanh niên làm chủ, trong đó có rất nhiều chủ trang trại đã vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao thông qua Đoàn Thanh niên làm công tác uỷ thác vay vốn của NHCSXH. Các trang trại trẻ sử dụng đồng vốn ưu đãi và công sức, kỹ thuật tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản và kinh doanh tổng hợp.
Đàn lợn rừng của trang trại anh Phàn Đức Hiệu, thôn Vi Kẽm, xã Cốc Mỳ (Lào Cai)

Đàn lợn rừng của trang trại anh Phàn Đức Hiệu, thôn Vi Kẽm, xã Cốc Mỳ (Lào Cai)

Cụ thể, tỉnh Điện Biên có 67 trang trại trong tổng số 106 trang trại trẻ được NHCSXH hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng/trang trại. Tỉnh biên giới Lào Cai cũng có 70 trang trại trẻ sử dụng vốn vay ưu đãi vào phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, đạt mức thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng/trang trại/năm. Hầu hết các trang trại trẻ này còn ý thức được việc đến kỳ trả nợ, trả lãi đúng hạn cho Nhà nước và tích cực gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn với mục đích góp phần tăng thêm nguồn vốn phục vụ người nghèo, vùng khó khăn. Trang trại của anh Phàn Đức Hiệu ở thôn Vi Kẽm, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (Lào Cai) là một điển hình được chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai mời dự Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động. Anh Hiệu cho biết: gia đình anh có 4 anh em, bố mẹ đều làm ruộng, cuộc sống vô cùng khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, anh đã bàn bạc với gia đình vay vốn của NHCSXH 20 triệu đồng để đầu tư vào 700m2 ao nuôi cá giống và cá thịt từ năm 2008. Bắt đầu có thu nhập từ con cá, anh quyết định vay thêm vốn từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm 30 triệu đồng mở rộng diện tích ao thả cá, mua 3 con lợn nái ngoại, xây 60m2 chuồng trại, trồng 3,5ha rừng kết hợp nuôi gia súc, gia cầm. Kinh tế trang trại của gia đình anh Hiệu dần phát triển, cuộc sống hết nghèo khó. Đến nay, mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động thời vụ.

Giáp với Lào Cai là tỉnh Yên Bái, hiện cũng có 147 trang trại trẻ tập trung ở các huyện Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình.

Theo Phó giám đốc phục trách NHCSXH tỉnh Yên Bái Nguyễn Thanh Hải cho biết: Tuy thời gian qua các trang trại trẻ này đã vay vốn ưu đãi hơn 30 tỷ đồng. Nhờ sự đầu tư kịp thời, đúng hướng nên các chủ trang trại tập trung trồng cây ăn quả như cam, quýt, bưởi với quy mô 1 - 2ha, trang trại trồng tre măng, quế, thảo quả, sơn ta, chăn nuôi gia súc… Ông Hải cũng kể rằng, ở huyện Lục Yên có anh Hoàng Chung Hiến, chủ trang trại thôn Cốc Há, xã Yên Thế, mới 28 tuổi, trước đây từng tham gia đội quân đào đá đỏ, nhưng vẫn không thoát khỏi đói nghèo. Được sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên và NHCSXH huyện, anh Hiến đã chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhưng do không có kinh nghiệm nên đàn gia súc bị dịch bệnh chết gần hết. Tưởng trắng tay và không gượng đứng dậy nổi nhưng được sự động viên của Huyện Đoàn Lục Yên, anh tiếp tục được vay vốn chính sách, đầu tư vào phát triển trang trại. Hiện nay, trang trại của anh có 4 sào ao thả ba ba, 5 sào nuôi gà đồi, hươu sao và lợn rừng. Trang trại hàng năm thu hút 8 lao động thường xuyên và 8 lao động thời vụ. Thu nhập từ trang trại khoảng trên 200 triệu đồng/năm, lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện chủ trang trại trẻ này đã hoàn trả hết cả 2 lần vay của NHCSXH, lại được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã.

Phong trào vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả của các chủ trang trại trẻ còn phải kể đến các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Trường hợp anh Chu Văn Tuất, sinh năm 1985 ở thôn Nưa, xã Dương Quang (Bắc Kạn) rất đáng được biểu dương. Với suy nghĩ “dám nghĩ, dám làm”. Vươn lên thoát nghèo, năm 2000 anh mạnh dạn vay vốn NHCSXH để đầu tư mô hình phát triển kinh tế VACR (vườn, ao, chuồng, rừng). Sau nhiều khó khăn, với nỗ lực của bản thân, đến nay mô hình của anh có 5ha rừng, 1ha cây mơ, ổi, quýt và rau màu, 22 con lợn, 30 con dê và 1.600m2 ao cá. Ngoài ra, anh còn làm dịch vụ máy xay xát lương thực, sao chè thủ công. Trung bình mỗi năm, mô hình của anh thu lãi khoảng 120 triệu đồng và tạo việc làm cho 5 lao động. Anh cho rằng: Nhờ Đoàn Thanh niên làm tốt công tác uỷ thác vay vốn của NHCSXH và chính nguồn vốn vay ưu đãi đó đã làm điểm tựa cho phong trào thanh niên vượt khó khăn, vươn lên lập thân lập nghiệp, làm giàu bằng chính mô hình kinh tế trang trại.

Bài và ảnh Hà Chung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác